Bất chấp những khó khăn, hạn chế do Covid-19 trên toàn cầu trong năm, báo cáo doanh thu của các nhà đấu giá ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục. Sotheby's đạt 7,3 tỷ USD - cao nhất trong lịch sử 277 năm của nhà đấu giá, Christie's cán mốc 7,1 tỷ USD - cao nhất trong 5 năm, Phillips thu về 1,2 tỷ USD. "Doanh số bán đấu giá đạt kỷ lục 15 tỷ USD khi các nhà sưu tập trẻ tuổi, giàu có tham gia thị trường", CNBC viết.
Tác phẩm đấu giá đắt nhất trong năm là Femme assise pres d'une fenetre của Picasso thu về 103,4 triệu USD tại Christie's. Tác phẩm cao thứ hai là bức vẽ đầu lâu In This Case của Jean-Michel Basquiat với giá 93,1 triệu USD. Bức Portrait of a young man holding a roundel của Sandro Botticelli được bán với giá 92,1 triệu USD - cao thứ ba trong năm.
Giám đốc điều hành của Christie's - Guillaume Cerutti - nói trên CNBC: "Mọi danh mục hoạt động tốt hơn. Hồ sơ đấu giá cho thấy sự gia tăng tài sản toàn cầu trong thời kỳ đại dịch, chính phủ kích cầu, ngân hàng trung ương nới lỏng, giá trị tài sản tăng vọt và nhu cầu tiêu dùng phục hồi đã tạo ra một làn sóng thanh khoản lớn cho những người mua. Sự bùng nổ trong giao dịch tiền điện tử và chứng khoán tạo ra thế hệ mới là những nhà sưu tập trẻ tuổi, giàu có - những người bắt đầu mua mọi thứ từ nghệ thuật, xe hơi cổ điển đến hàng xa xỉ, rượu vang, đồng hồ và kim cương trực tuyến".
Đổi mới, đa dạng hình thức đấu giá là yếu tố giúp các thương hiệu thành công trong thời dịch. Theo Theartnewspaper, hình ảnh các khách hàng diện vest, đầm dạ hội đến chiêm ngưỡng và giơ bảng trả giá cho các tác phẩm nghệ thuật trong các buổi đấu giá sang trọng dần ít đi do yêu cầu hạn chế tụ tập đông người vì dịch của các quốc gia. Từ giữa năm 2020, các nhà đấu giá chuyển sang hình thức trực tuyến. Các phiên được phát trực tiếp trên website hay các nền tảng mạng xã hội cho phép hàng nghìn người theo dõi cùng lúc. Các nhà sưu tập trả giá qua điện thoại và được các đấu giá viên cập nhật, tạo không khí gay cấn.
Sotheby's thu hút hơn 200.000 lượt đặt giá thầu trực tuyến trong năm, chiếm 92% tổng số lượt đặt mua và 16,6 triệu người theo dõi các phiên. Doanh số bán hàng trực tuyến đạt 800 triệu USD, tăng hơn 71% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà đấu giá cũng không nằm ngoài cuộc chơi NFT. NFT (non-fungible token) là chuỗi mã đại diện cho vật phẩm - sử dụng công nghệ blockchain. Khả năng sử dụng của NFT không nằm ở các vật phẩm như bức tranh mà nằm ở quyền sở hữu độc quyền, được chứng nhận bởi chuỗi mã NFT. Nhờ đó, món hàng trở thành duy nhất.
Christie's khởi động đấu giá NFT "bùng nổ" hồi tháng 3 với việc bán tác phẩm Everydays: The First 5000 days của Beeple trị giá 69 triệu USD. Doanh nghiệp đã bán được hơn 100 NFT với doanh thu 150 triệu USD. Sotheby's thu về 100 triệu USD khi ra mắt nền tảng Sotheby’s Metaverse (vũ trụ ảo nơi các nhà sưu tập có thể tương tác, đấu giá).
Alex Rotter - chủ tịch mảng nghệ thuật hậu chiến và đương đại của Christie's - cho biết: "Sắp tới, chúng tôi tiếp tục khám phá ứng dụng mới của NFT kết hợp với các nghệ sĩ đã thành danh. Đồng thời, khám phá những thứ mới phù hợp với khán giả cốt lõi của chúng tôi".
Ngoài các tác phẩm nghệ thuật, danh mục hàng xa xỉ như đồng hồ, đồ trang sức, rượu vang, túi xách... cũng gây bất ngờ về giá cả và nhu cầu. Đấu giá đồng hồ của Phillips ghi nhận một năm chưa từng có khi 100% số lô được đưa ra đấu giá đã được bán với tổng số tiền 209,3 triệu USD.
Sotheby's và Christie's đều báo cáo doanh thu bán hàng xa xỉ khoảng 1 tỷ USD do những người giàu có đặt mua giá cao hơn nhiều so với ước tính. Tại Sotheby's, gần 2/3 số lô hàng xa xỉ được bán cao hơn ước tính của họ. Nhà Christie's bán viên kim cương màu hồng tím 15 carat giá 29 triệu USD, chiếc vòng tay của Marie Antoinette giá 8 triệu USD, áo đấu Yankees năm 1931 do cầu thủ bóng chày Lou Gehrig mặc được bán với giá 1,4 triệu USD. Đôi giày thể thao của Michael Jordan được Sotheby's bán với giá 1,47 triệu USD...
Các nhà đấu giá cũng thu được lợi nhuận từ bán hàng tư nhân - nơi tài sản được bán trực tiếp cho người mua mà không cần đấu giá. Doanh thu mảng này của Christie's đạt kỷ lục 1,7 tỷ USD, Sotheby's là 1,3 tỷ USD.
Sự xuất hiện của những nhà sưu tập mới, trẻ tuổi khiến thị trường sôi động hơn. Trên CNBC, Alex Rotter cho biết 35% người mua là người mới và 1/3 số đó thuộc thế hệ millennials - hay còn gọi là thế hệ Y, những người sinh từ đầu 1981 - 1995. Đại diện Sotheby's cho biết phần lớn thành công của họ năm qua nhờ lượng người tham gia đấu giá tăng lên, khoảng 39% người mua và 44% người đặt giá trong năm là người mới. Người mua mới ở Phillips chiếm 50%.
Yuki Terase - cựu giám đốc nghệ thuật đương đại của Sotheby's ở châu Á - cho biết: "Họ ở độ tuổi 30 và 40, thậm chí là 20. Làn sóng mới của các nhà sưu tập châu Á chia thành hai nhóm chính: Một là những người tự lập và kinh doanh, giống như các tỷ phú công nghệ, hai là thế hệ nhà giàu thứ hai hoặc thứ ba". Trên Wsj, Amy Cappellazzo - chủ tịch bộ phận mỹ thuật của Sotheby's - cho biết nhiều nhà sưu tập đến từ giới công nghệ. Nhà đầu tư tiền điện tử Justin Sun, 31 tuổi, gây chú ý khi mua tác phẩm điêu khắc Le Nez (1947) của Alberto Giacometti với giá 78,4 triệu USD - tác phẩm đấu giá cao thứ năm trong năm.
Theo artnews, người mua châu Á chiếm một phần ba doanh số bán hàng tại Christie's và 46% số lượng người đặt mua và mua các lô trên 5 triệu USD tại Sotheby's.
Giám đốc Guillaume Cerutti cho biết trên Theartnewspaper: "Ngày càng có nhiều nhà sưu tập và lượng của cải khổng lồ ra đời trong năm qua ở châu Á. Hai yếu tố đó - sự giàu có mới ở châu Á cộng với tính thanh khoản, thị trường và tiền điện tử - đã giúp ích rất nhiều".
Trong dòng chảy chung của thế giới, Việt Nam cũng có một năm thành công với tám tác phẩm của các danh họa trong nước được đấu giá triệu USD trên các sàn quốc tế - số lượng nhiều nhất từ trước đến nay.
Hiểu Nhân