Tối 31/10, Tiểu Hàn mở sẵn ứng dụng mua sắm trước khi đi ngủ. Cô gái thế hệ Gen Z (người sinh sau năm 1995 đến 2010) ở tỉnh Liêu Ninh, muốn mua hai bộ quần áo mới. Nhìn màn hình tràn ngập dòng chữ "Đại giảm giá 11/11", cô hoa mắt, không biết chọn cửa hàng nào.
"Giá gốc 1.299 tệ, giá trước ngày mở bán 1.199 tệ, giảm 40 tệ cho mỗi đơn từ 300 tệ trở lên, giảm 30 tệ cho đơn từ 200 tệ trở lên, giảm 50 tệ nếu khách đặt cọc trước và nhận mức chiết khấu gấp đôi", Tiểu Hàn bối rối khi đọc ưu đãi từ một nhãn hàng.
Thời điểm này, nhiều người giống như Tiểu Hàn, háo hức chờ đợt giảm giá lớn nhất năm. Nhưng thử thách lớn nhất là vượt qua bẫy của người bán bằng những ma trận toán học núp dưới các mẹo tỷ lệ chiết khấu. "Nếu thấy quảng cáo bắt mắt, không tính toán, có khi còn đắt hơn lúc thường", Tiểu Hàn chia sẻ kinh nghiệm.
Tiểu Hàn đang học thạc sĩ, rất tự tin vào trình độ toán học của mình. Cô áp dụng kiến thức này khi mua hàng để tiết kiệm nhất có thể. Nhưng đôi lúc những quy tắc giảm giá, mức chiết khấu kèm điều kiện khác nhau được các nhà bán hàng đưa ra khiến cô hoa mắt vì tính toán. "Để nhận được mức ưu đãi tốt nhất, khó không kém thi Olympic Toán", cô gái 25 tuổi nói.
Ví dụ, để sử dụng được phiếu giảm giá, cần phải mua đủ số lượng nhất định mới có thể áp mã. Chẳng hạn nếu tiêu 199 tệ sẽ được hoàn lại 30 tệ. Nhưng để đạt được mức đó, phải mua thêm những thứ không cần thiết. Trong khi một số mã giảm giá lại không đáng tin cậy.
Đầu năm nay, Tiểu Phi đến từ Nam Kinh mua bộ quần áo tặng người bạn. Giá thời điểm đó là 79 tệ. Tuy nhiên trong đợt giảm giá lớn nhất năm, lại được ghi "giá gốc" 199 tệ. Ngay cả khi áp mã giảm giá, vẫn đắt hơn trước vài chục tệ.
Nhiều cửa hàng phát hành phiếu giảm giá đại trà, nhưng khi khách đưa mã thì người bán nói: "Phiếu chỉ áp dụng trong thời gian phát trực tiếp". Số khác dùng thủ thuật khiến khách không thể sử dụng mã giảm giá hay chơi chữ trong quảng cáo.
Tiểu Phi từng thấy một bộ nồi giá rẻ, khi chuẩn bị bấm vào mua, phát hiện giá thực tế cao hơn rất nhiều giá quảng cáo. Hóa ra, thương hiệu đã chơi chữ "giảm giá từ", khiến anh cảm giác bị mắc lừa.
Nhậm Nhậm đến từ Côn Minh, tỉnh Vân Nam vài ngày trước đặt mua bộ mỹ phẩm chăm sóc da. Cô quyết định chi tiền bởi dòng khuyến mãi: "Mua 1 tặng 1". Lúc nhận hàng, ngoài sản phẩm, Nhậm được tặng thêm một gói mẫu thử nhỏ xíu. Dù liên hệ với cửa hàng nhiều lần để khiếu nại, cô vẫn bị phớt lờ.
Cô gái này cũng từng mua đồ từ những cửa hàng "có quà tặng đi kèm". Nhưng dù chờ rất lâu, đồ dùng đã gần hỏng nhưng quà không thấy đâu. Với Nhậm Nhậm, hành vi này không khác gì lừa đảo.
Ông Trình Khoa, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa và Pháp luật thuộc Đại học Truyền thông Trung Quốc cho hay, ở đợt giảm giá hàng hóa lớn nhất năm, không loại trừ nhiều cửa hàng tăng giá trước ngày giảm giá để tạo chương trình ưu đãi, thu hút sự chú ý, ham lợi của người mua.
"Thậm chí có cửa hàng còn ưu đãi đến 80%", ông Trình nói. "Vì vậy người tiêu dùng cần tỉnh táo, tìm hiểu trước về mức giá thông thường và các chiêu thức giảm giá, tặng quà của sản phẩm để không bị qua mặt". Với những nhãn hàng, ông Trình khuyên người bán nên đưa ra quy tắc rõ ràng, nhất là trong các đợt khuyến mãi nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
Bắt đầu từ năm 2009, Alibaba đã chọn 11/11, vốn là ngày Lễ Độc thân của thanh niên Trung Quốc để tổ chức chương trình giảm giá, kích cầu mua sắm. Khi mới bắt đầu, người độc thân sẽ được mua những món quà đặc biệt với giá ưu đãi đậm. Dần dần, 11/11 trở thành ngày hội giảm giá cho mọi người tại đất nước này.
Năm nay, buổi gala mua sắm Ngày Độc thân đã chứng kiến doanh số bán hàng bùng nổ ngay sau khi khai mạc vào 20h ngày 1/11. Trong giờ đầu tiên của gala, doanh thu của hơn 2.600 thương hiệu đã vượt quá doanh thu của cả ngày khai mạc năm 2020.
Vy Trang (Theo Paper)