Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Phó trưởng Bộ môn Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết Moyamoya là bệnh rối loạn mạch máu tiến triển thứ phát gây ra hẹp, tắc tại gốc một số động mạch lớn trong não thuộc tuần hoàn trước. Quá trình này sẽ tiến triển ngày càng nặng theo thời gian, đặc biệt ở trẻ em thường nhanh hơn người lớn.
Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nữ có khả năng mắc bệnh gấp hai lần nam. Độ tuổi thường gặp nhất là trẻ em dưới 15 tuổi và người lớn từ 30 đến 50 tuổi. Gia đình có người bị bệnh, nguy cơ mắc cao gấp 30 đến 40 lần người bình thường.
Đa phần bệnh nhân nhập viện thường biểu hiện các triệu chứng của đột quỵ não như cơn thiếu máu não thoáng qua, nhồi máu não, xuất huyết não, cơn động kinh, xuất huyết dưới nhện. Ở trẻ em thường gặp đột quỵ thiếu máu não, còn xuất huyết não thường gặp hơn ở người lớn.
Các triệu chứng thường gặp là yếu liệt nửa người, liệt các dây thần kinh sọ, rối loạn thị giác, rối loạn ngôn ngữ, cơn động kinh, đau đầu, suy giảm trí nhớ, chậm phát triển về tâm thần vận động đặc biệt đối với trẻ em... Chẩn đoán xác định bệnh Moyamoya phải dựa vào hình ảnh chụp mạch não biểu hiện bằng dấu hiệu làn khói (Puff of smoke) và hình ảnh tắc hoặc hẹp đoạn gốc của động mạch cảnh trong.
Điều trị túi phình mạch não ở bệnh nhân Moyamoya là một thách thức bởi cơ chế bệnh sinh phức tạp và vị trí giải phẫu đa dạng của các túi phình. Ngoài ra, tùy thuộc vào tình trạng bệnh, thời gian nhập viện, mức độ tổn thương, độ tuổi để xác định phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Trường hợp nhẹ chỉ cần điều trị nội khoa. Triệu chứng nặng hơn, bệnh nhân được can thiệp mạch (Coils hoặc stent đảo hướng) hay phẫu thuật phụ thuộc vào vị trí, hình thái của phình mạch và đặc điểm của huyết động tại phình mạch.
Trong đó, phổ biến nhất là phẫu thuật tái thông kết hợp mạch máu não màng cứng (EDAS), phẫu thuật kết hợp mạch máu não cơ (EMAS), phẫu thuật nối động mạch thái dương nông và mạch máu não giữa (STA-MCA) hay kỹ thuật khoan nhiều lỗ.
"Mục tiêu của điều trị là giảm các triệu chứng, cải thiện lưu lượng máu, giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng của đột quỵ do thiếu máu cục bộ não, xuất huyết nội sọ, chảy máu dưới nhện hoặc tử vong", bác sĩ nhấn mạnh.
Bác sĩ khuyến cáo, Moyamoya là bệnh khó phát hiện trừ khi đột quỵ não xảy ra. Do đó, bệnh nhân nên đến khám chuyên khoa thần kinh nếu xuất hiện các triệu chứng thần kinh sớm, đau đầu kéo dài, hay bị ngất, tê hoặc yếu tay chân, yếu nửa người thoáng qua, động kinh...
Những người tiền sử gia đình có người mắc bệnh nên được chụp mạch não để sàng lọc bệnh sớm. Trường hợp đã được chẩn đoán Moyamoya nên được chụp DSA nhằm phát hiện phình mạch não sớm để can thiệp kịp thời, tránh biến chứng vỡ phình mạch xảy ra.
Thùy An