Kết thúc đợt nhịn ăn đầu tiên, nữ giáo viên tiếng Anh bị hạ đường huyết, phải vào viện truyền nước, hồi đầu tháng 3. Trước đó, cô chưa từng áp dụng chế độ ăn kiêng kiểu nhịn ăn gián đoạn như trên.
Tương tự, Hà, 29 tuổi, nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy, Hà Nội, tăng 3 kg sau đợt nghỉ Tết, cơ thể luôn mệt mỏi, hệ tiêu hóa ì ạch, táo bón. Cô là tín đồ yoga, quen thuộc với phương pháp nhịn ăn gián đoạn 16:8 (ăn trong 8 giờ và nhịn trong 16 giờ tiếp theo) khi cần ép cân, nhưng lần này thất bại. Cân nặng của cô giảm nhưng hiện tượng táo bón vẫn lặp lại, khiến người phụ nữ thường xuyên khó chịu, mất ngủ, tâm trạng căng thẳng.
Qua tìm hiểu, Hà được bạn bè giới thiệu chế độ nhịn ăn hoàn toàn trong 36 giờ và ăn lại trong 12 giờ để thải độc, tái khởi động cơ thể. Đây là cách ăn Thủ tướng Anh Rishi Sunak theo đuổi trong nhiều năm qua. Các chuyên gia cho biết việc nhịn ăn có thể giúp giảm cân; kích hoạt quá trình thực bào - quá trình loại bỏ các tế bào bị hư hỏng và tái tạo tế bào khỏe mạnh; điều hòa hormone; tăng cường sự tập trung và cải thiện tinh thần.
Bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Viện Nghiên cứu và Tư vấn dinh dưỡng, nhận định suốt 36 giờ nhịn ăn, cơ thể sử dụng glycogen - một dạng glucose dự trữ phức tạp có nguồn gốc từ carbohydrate - làm nguồn năng lượng đầu tiên. Lượng dự trữ bắt đầu giảm trong vòng 24 đến 36 giờ.
"Khi lượng glycogen dự trữ cạn kiệt, cơ thể chuyển sang trạng thái ketosis, đốt cháy chất béo làm nhiên liệu, tạo ra thể ketone như một nguồn năng lượng thay thế", ông chia sẻ.
Cô nhân viên truyền thông cho biết bản thân có kinh nghiệm trong việc giảm cân nên cơ thể "có khả năng thích nghi tốt khi bắt đầu các phương pháp mới". Hà lên kế hoạch ăn bữa cuối cùng vào trưa thứ 6, bỏ bữa tối. Thời điểm thức dậy vào giữa buổi sáng thứ 7 hôm sau là đã gần 24 giờ trôi qua. Tiếp tục ngày chủ nhật và thứ 2, cô chỉ uống các chất lỏng không chứa calo như nước, trà thảo mộc hoặc cà phê đen. Đến trưa thứ 2, cô ăn nhẹ nhàng, đơn giản như salad, súp, sau đó dần dần làm quen lại chế độ ăn uống thông thường.
Tuần đầu tiên áp dụng, cơ thể Hà nhẹ nhõm. Song kết thúc đợt nhịn của tuần thứ hai, cô bị đau dạ dày đột ngột giữa đêm, cơn đau thúc lên tận ngực, khiến cô nôn mửa, phải nhập viện cấp cứu. Kết quả khám cho thấy người phụ nữ bị viêm dạ dày cấp, chảy máu dạ dày, bác sĩ yêu cầu ngừng các phương pháp nhịn ăn gián đoạn.
Bác sĩ Hùng cho biết chế độ ăn kiêng nhịn ăn thời gian dài được lấy cảm hứng từ các nhà sư, người thường xuyên nhịn ăn để củng cố tinh thần quyết tâm và khả năng tự chủ. Nhiều người áp dụng chế độ nhịn ăn ngắn 8-24 giờ. Một số người khác chọn nhịn ăn lâu hơn trong vòng 36 giờ, thậm chí 48 giờ, 72 giờ... Phương pháp này có thể giúp thiết lập lại cơ thể, cho phép hệ tiêu hóa nghỉ ngơi, tập trung năng lượng vào các hoạt động khác. Nhịn ăn kéo dài còn có thể giúp cơ thể sửa chữa tế bào, ngăn ngừa lão hóa cũng như bệnh tật, giảm cân. Cơ thể lúc này cũng tự điều chỉnh nội tiết tố, giảm mức insulin, cải thiện độ nhạy insulin.
Tuy nhiên, nếu không thực hiện đúng cách có thể ảnh hưởng tới sức khỏe. Cụ thể, nhịn ăn trong thời gian dài có thể làm giảm lượng đường huyết, suy kiệt, gây cảm giác choáng váng, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn; tăng nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến nhịn ăn, bao gồm mất nước, cáu kỉnh, thay đổi tâm trạng, ngất xỉu, đói, thiếu năng lượng và không tập trung.
Nhịn ăn cũng có thể ảnh hưởng khác nhau đến những người có bệnh nền sẵn từ trước. Người không phù hợp có thể bị hạ đường huyết, tiêu cơ, rối loạn ăn uống trầm trọng.
Ngoài ra, nếu không tập ăn từ từ trở lại bằng bữa ăn nhẹ mà kích thích quá mức hệ tiêu hóa bằng cách ăn một bữa ăn lớn, bạn phải đối mặt nguy cơ tác dụng phụ như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đầy bụng. Chưa kể, việc nhịn ăn vẫn có thể dẫn đến tăng cân bởi việc này có thể khiến một số người ăn uống vô độ sau đó.
Theo Guardina, không phủ nhận ngoài lợi ích thể chất, những người theo phương pháp nhịn ăn kiểu nhà sư thời gian dài còn rèn luyện được tính kỷ luật và thực hành chánh niệm. Tuy nhiên, cách này tiềm ẩn một số rủi ro nếu không thực hiện dưới sự giám sát y tế.
Khi mới bắt đầu nhịn ăn, nhiều người sẽ có cảm giác khó chịu, mệt mỏi, hầu hết đều nghiện nhẹ thực phẩm chế biến sẵn và đường. Cảm giác thèm ăn có thể mãnh liệt, tâm trí sẽ chống lại thói quen mới này một thời gian. Vì vậy, phải đảm bảo cơ thể nghỉ ngơi đầy đủ, bổ sung nước và chất điện giải không chứa calo.
Bác sĩ Phan Thái Tân, huấn luyện viên sức khỏe giảm cân Homefit, nhìn nhận với người áp dụng phương pháp nhịn ăn thời gian dài thì việc ăn chánh niệm là điều bắt buộc, tức là cần ăn chậm và không bị phân tâm, lắng nghe các dấu hiệu khi đói và chỉ ăn cho đến khi thấy no. Người áp dụng cũng cần phân biệt giữa cảm giác đói thực sự và cảm giác thèm ăn do bị thu hút bởi các yếu tố ngoại cảnh, nếu không rất khó ổn định cảm xúc, tâm lý.
"Nỗi sợ hãi, lo lắng, áp lực sẽ khiến cơ thể đói rất nhanh", bác sĩ nói.
Các chuyên gia khuyến cáo trước khi áp dụng chế độ ăn gián đoạn, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng. Tốt nhất nên bắt đầu với các chu kỳ nhịn ăn ngắn hơn như nhịn ăn gián đoạn 16:8 để biết được phản ứng của cơ thể.
Mọi người cần theo dõi sức khỏe, lưu ý nếu gặp phải các tác dụng phụ. Cân nhắc về việc ngừng nhịn ăn nếu cơ thể không thích nghi kịp. Sau một thời gian dài nhịn ăn, nên ăn một bữa ăn nhẹ đơn giản và nhỏ trước bữa ăn chính đầu tiên, như một bát cháo nhỏ, miếng gà luộc, củ khoai tây luộc hoặc bát nước dùng.
Thúy Quỳnh