"Bệnh có thể dẫn đến biến chứng như ung thư dạ dày, thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, hẹp môn vị, viêm dạ dày mạn tính", Ths.BS.CK1 Ngô Quang Vinh, nói tại buổi tư vấn sức khỏe cộng đồng do Bệnh viện Y học cổ truyền TP HCM tổ chức, ngày 6/6.
Viêm dạ dày là tình trạng bề mặt niêm mạc bị tổn thương, bào mòn do vi khuẩn hoặc những tác nhân khác. Bệnh xảy ra do sự mất cân bằng của yếu tố bảo vệ và yếu tố gây loét. Trong đó, một số yếu tố gây loét thường gặp là vi khuẩn HP, thuốc, pepsin, lo âu, căng thẳng, stress, rượu thuốc lá...
Theo y học cổ truyền, một số cơ chế gây ra bệnh là do suy nghĩ tức giận quá độ kéo dài làm tổn thương đến can; ăn uống không điều độ, no đói thất thường hoặc ăn nhiều đồ cay, nóng, chua, lạnh làm tổn thương tỳ vị.
Triệu chứng viêm dạ dày điển hình nhất là cơn đau vùng thượng vị, có thể đau nhiều khi đói, sau ăn hoặc cả hai. Ngoài ra, bệnh còn gây ra cảm giác buồn nôn, chán ăn, khó chịu trong bụng và ợ chua, ợ hơi. Bệnh nhân có cảm giác trướng bụng ậm ạch sau ăn nên không ăn được nhiều như bình thường. Khi gặp các triệu chứng bất thường, nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám, chẩn đoán bệnh, can thiệp sớm. Nội soi dạ dày là phương pháp chẩn đoán tốt nhất để phát hiện bệnh.
Tùy theo thể bệnh, bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị phù hợp. Trong y học cổ truyền, bên cạnh thuốc còn có những liệu pháp như châm cứu (điện châm, cấy chỉ, nhĩ châm), dưỡng sinh (xoa bóp, tập thở, thư giãn), thái độ tinh thần trong cuộc sống (vui vẻ, lạc quan).
Phòng ngừa viêm dạ dày bằng cách ăn nhiều bữa nhỏ. Thực hiện thói quen ăn uống lành mạnh. Ăn các khẩu phần vừa phải, thư giãn khi ăn. Tránh các thực phẩm kích thích như gia vị, cam quýt hoặc thực phẩm có nhiều gia vị nếu bị viêm hoặc loét dạ dày. Hạn chế hoặc tránh uống rượu. Không hút thuốc lá.
Tránh dùng thuốc chống viêm phi steroid - aspirin, ibuprofen, ketoprofen và naproxen. Thay vào đó, dùng thuốc giảm đau chứa acetaminophen.
Hạn chế stress, vì đây là nguyên nhân làm tăng sản sinh acid dạ dày và tiêu hóa chậm, gây rối loạn dạ dày. Duy trì cân nặng khỏe mạnh, bởi ợ nóng, chướng bụng và táo bón thường gặp nhiều hơn ở người thừa cân.
Tập luyện làm tăng nhịp thở và nhịp tim, là hoạt động có lợi giúp tiêu hóa tốt. Tập thể dục kích thích hoạt động của các cơ đường ruột, giúp đẩy chất cặn bã xuống ruột nhanh hơn. Cố gắng tập luyện ít nhất 30 phút vào hầu hết các ngày trong tuần.
Lê Phương