Người làm việc căng thẳng, ngồi nhiều, lâu và thường xuyên cúi đầu làm việc với máy tính, điện thoại, là những nguyên nhân phổ biến gây bệnh. Sai tư thế trong sinh hoạt, học tập, làm việc; thoái hóa cột sống, thoái hóa thoát vị đĩa đệm cột sống cổ; chấn thương vùng vai gáy gây tổn thương dây chằng, đốt sống; luyện tập quá sức, tập sai kỹ thuật, khởi động chưa đủ trước khi tập; cơ thể nhiễm lạnh khiến dây thần kinh bị tổn thương, cũng dẫn đến đau cổ vai gáy.
ThS.BS Hoàng Duy Luân, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Bạch Mai, nói các triệu chứng đau cổ vai gáy rất dễ nhận biết, người bệnh cần lưu ý để đánh giá tình trạng của mình. Ví dụ, đau vùng cổ vai gáy, đau tăng lên khi đi lại, ngồi lâu, vận động cột sống cổ... Đau khi thay đổi thời tiết, đặc biệt là khi trời lạnh.
Cơn đau có thể lan xuống bả vai, khiến cánh tay, cẳng tay và ngón tay tê mỏi. Đau kèm với đau vùng chẩm, nửa đầu. Đau khiến người bệnh bị hạn chế khi vận động cổ, không quay được đầu. Trường hợp nặng, chỉ cần cử động, đi lại nhẹ nhàng cũng thấy rất đau và khó chịu. Đồng thời với đau tại chỗ, có thể đau toàn thân liên quan bệnh lý khác như sốt kéo dài, thiếu máu, ho ra máu, cơn co rút tay chân...
Đau cổ vai gáy có hai loại chính gồm mạn tính và cấp tính. Mạn tính tình trạng đau vai gáy sẽ diễn ra thường xuyên, đau âm ỉ, lâu dài kèm một vài triệu chứng khác như đau lan xuống cánh tay, tê tay. Còn cấp tính (vẹo cổ cấp) thường xảy ra sau khi người bệnh vận động cổ, nằm ngủ sai tư thế hoặc ngồi thẳng dưới điều hòa lạnh, đau dữ dội khó hoặc không vận động được cổ.
Đau vai gáy dễ nhầm lẫn với các bệnh lý như lao cột sống, các bệnh lý tuyến giáp, u đỉnh phổi, u tại cột sống, u tủy sống... Để chẩn đoán người bệnh nên đến cơ sở y tế để được khám chuyên khoa. Một số trường hợp đau vai gáy là bệnh lý ngoại khoa cần can thiệp; một số là bệnh lý nội tiết chuyên khoa sâu; đôi khi cần can thiệp kỹ thuật của chuyên khoa tim mạch...
Theo bác sĩ Luân, hiện nay có những bài thuốc, bài tập, thủ thuật điều trị bằng y học cổ truyền đơn giản mà an toàn và hiệu quả như chườm nóng, bấm huyệt hay châm cứu, giác hơi... Bệnh nhân điều trị ở bệnh viện còn sử dụng cả liệu pháp sóng siêu âm, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt.
Để phòng bệnh, cần có chế độ làm việc hợp lý, không nên ngồi lâu một chỗ mà nên vận động, nghỉ giải lao. Có chế độ dinh dưỡng và tập thể dục phù hợp. Ngồi học, làm việc đúng tư thế. Khi ngủ dùng gối có độ cao vừa phải (3-5 cm) và hạn chế nằm nghiêng lâu. Áp dụng một số bài tập nhẹ nhàng, bổ trợ kéo giãn cơ vùng cổ vai gáy.
Lê Nga