Ngày 1/4, Masan tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm thành lập. Ban lãnh đạo, tập thể cán bộ, công nhân viên của tập đoàn đã thể hiện quyết tâm phụng sự người tiêu dùng trong nhiều thập kỷ tới.
Tại sự kiện, những người mở đường của Masan kể lại kỷ niệm đẹp, khó khăn lẫn thách thức trong một phần tư thế kỷ qua.
Đi lên từ mì gói
Những năm 1990, ông Nguyễn Đăng Quang - nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Masan - tạo dấu ấn ở Nga bằng sản phẩm mì gói. Nhờ am hiểu thị trường trong nhiều năm sinh sống và học tập tại đây, ông nhận thấy tiềm năng của mặt hàng này với hàng chục triệu người Việt và 150 triệu người Nga. Từ đó, ông quyết định sản xuất và tiên phong kinh doanh mì gói.
Năm 1996, công ty Công nghệ, Kỹ thuật, Thương mại Việt Tiến - tiền thân của Masan - được thành lập. Cùng đó, nhà máy đầu tiên ra đời, với công suất 30 triệu gói mỗi tháng, chú trọng sản xuất mì, nước tương, nước mắm và tương ớt.
Khi giao thương mở cửa và hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, công ty chuyển hướng vào thị trường trong nước, đánh dấu bước khởi đầu bằng sự kiện ra mắt nước tương cao cấp Chin-su vào năm 2002. Tiếp đó sự xuất hiện của nước mắm Nam Ngư và nước tương Tam Thái Tử.
Năm 2007, doanh nghiệp giới thiệu mì gói ăn liền cao cấp Omachi, thu hút nhiều lứa tuổi. "Đó là bước đi đầu tiên trên hành trình hiện thực hóa sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng Việt Nam", ông Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh.
Trước sự phát triển mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, năm 2008, doanh nghiệp tái cấu trúc, đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan, với hai lĩnh vực chính là: kinh doanh thực phẩm và giữ 20% cổ phần tại Ngân hàng Techcombank. Từ công ty kinh doanh thực phẩm và hàng tiêu dùng châu Á tại Đông Âu, đơn vị thể hiện khát khao phụng sự người tiêu dùng trong nước, hướng đến sứ mệnh cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cho gần 100 triệu người Việt, giúp họ giảm gánh nặng chi phí thiết yếu hàng ngày.
Liên tục mở rộng danh mục sản phẩm
Nhiều năm qua, Masan không ngừng mở rộng danh mục cung cấp hàng tiêu dùng như đồ uống, chuỗi giá trị thịt, sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình. Năm 2014, doanh nghiệp khánh thành nhà máy chế biến khoảng sản Núi Pháo - lĩnh vực mới ở Việt Nam khi ấy, đánh dấu màn lấn sân lĩnh vực khai thác khoáng sản.
Với cấu trúc tập đoàn hiện nay, mỗi công ty thành viên là một mảnh ghép quan trọng tạo hệ sinh thái tiêu dùng, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng lớn và không ngừng thay đổi của người Việt.
Trong đó, The CrownX - thành lập tháng 6/2020 - sở hữu hai nền tảng kinh doanh trọng yếu là hàng tiêu dùng có thương hiệu tại MasanConsumerHoldings và bán lẻ tại VinCommerce.
Công ty Masan MEATLife - ra đời năm 2015 - tích hợp hoàn chỉnh chuỗi giá trị thịt, với mục tiêu gia tăng năng suất ngành đạm động vật và cung cấp thịt sạch, có thương hiệu cho người dùng.
Ngoài ra, Masan còn có công ty liên kết là Ngân hàng Techcombank, với chiến lược tập trung vào thị trường bán lẻ, áp dụng công nghệ cao để nắm bắt các cơ hội tăng trưởng trong ngành dịch vụ tài chính.
Cuối cùng là công ty thành viên Masan High-Tech Materials, một trong những nhà chế biến sản phẩm vonfram cận sâu (midstream) và nguyên liệu chiến lược phục vụ sản xuất công nghiệp lớn nhất thế giới.
Lấy người tiêu dùng làm trọng tâm
Dù kinh doanh ở lĩnh vực nào, chiến lược của tập đoàn chưa từng thay đổi trong 25 năm qua là: lấy người tiêu dùng làm trọng tâm, nỗ lực xây dựng các thương hiệu vững mạnh và giành sự tin yêu của khách hàng. Các hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo có tính đột phá được thúc đẩy nhằm nâng cao năng suất và đem đến những sản phẩm nổi trội.
Tham gia vào hoạt động bán lẻ, Tập đoàn Masan cam kết song hành người Việt và mang đến các trải nghiệm mua sắm toàn diện, đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Với chiến lược và lộ trình phát triển tiềm năng, ngày 6/4, VinCommerce thu hút đến 410 triệu USD (tương đương 16,26% cổ phần) từ Quỹ đầu tư lớn nhất tại Hàn Quốc - SK Group.
Ông Woncheol Park - Giám đốc Đại diện SK South East Asia Investment - cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng tiềm năng phát triển của lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam, nhất là tầm nhìn của Masan Group trong việc thúc đẩy quá trình hiện đại hóa ngành bán lẻ nhu yếu phẩm".
Ngoài nỗ lực tạo lợi ích cho đối tác, nhà cung cấp và người tiêu dùng, Masan còn là ngôi nhà lớn của hơn 40.000 lao động, đứng thứ 17 trong Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam (năm 2020). Ban lãnh đạo luôn tạo điều kiện tốt nhất để thu hút nhân tài, đào tạo và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cán bộ công nhân viên.
Doanh nghiệp cũng ý thức trách nhiệm xã hội và thực hiện chuỗi hoạt động thiện nguyện những năm qua. Năm 2020, Masan đóng góp gần 5.000 tỷ đồng thuế vào ngân sách nhà nước, góp phần cải thiện đời sống cộng đồng tại những nơi đặt nhà máy và hợp tác, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Hàng năm, doanh nghiệp dành một phần lợi nhuận để giúp đỡ, tạo điều kiện cho các hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Vạn Phát