Chia sẻ trong báo cáo thường niên, ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) nói rằng từng nghĩ mọi nhân viên, nhà đầu tư và thị trường sẽ nhiệt liệt tán thưởng khi công bố thương vụ mua lại VinCommerce cuối năm 2019. Tuy nhiên, bước đi chiến lược này lại nhận nhiều phản ứng trái chiều và mọi thứ diễn ra ngoài tầm dự đoán.
"Những người tin tưởng nhất vào Masan đã trở nên lung lay và giá cổ phiếu giảm phân nửa chỉ trong một tháng. Phản ứng dây chuyền này là có thể hiểu được, bởi Masan đã tiếp nhận khoản lỗ hơn 100 triệu USD từ VinCommerce trong khi chưa có kinh nghiệm vận hành lĩnh vực bán lẻ", ông Quang nói.
Theo ông Quang, thương vụ này làm công ty đã đa ngành càng đa ngành hơn và tiếp tục khắc sâu nghi ngại rằng các thương vụ mua bán sáp nhập của Masan dường như không đạt được mục tiêu chiến lược và tài chính như mong muốn. Tuy nhiên, Masan có kế hoạch từng bước để khẳng định quyết định này không sai.
Bước đầu tiên là chọn hy sinh thị phần và tốc độ tăng trưởng để xây nền móng cho một doanh nghiệp có quy mô khổng lồ và lợi nhuận vượt trước.
"Đôi khi lùi một bước là cần thiết để tạo đà cho cú nhảy vọt", ông Quang nói.
Ông vạch ra mục tiêu khi tiếp nhận VinCommerce là đưa EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) hòa vốn trong một năm. Tuy nhiên, người đứng đầu Masan khẳng định lý thuyết rất đơn giản nhưng triển khai trên thực tế là điều không dễ dàng. Masan quyết liệt đóng cửa hơn 700 siêu thị mini VinMart+, tinh gọn danh mục hàng hóa, tái cấu trúc chuỗi cung ứng để cải thiện hiệu quả quy trình hậu cần và luân chuyển hàng hóa, đặt trọng tâm vào người dùng thay vì thúc đẩy doanh số.
Tiếp theo là trong 5 năm tới, Masan xây dựng mạng lưới 10.000 cửa hàng bán lẻ tự vận hành và 20.000 cửa hàng nhượng quyền với kỳ vọng phục vụ 30-50 triệu người dùng. Công ty cũng phát triển thêm danh mục nhãn hàng riêng để đáp ứng nhu cầu người dùng, đặc biệt ở khu vực nông thôn.
Ông Quang đặt mục tiêu khả năng tiếp cận thị trường của Masan tăng từ mức 1% ngân sách tiêu dùng lên gần 25%. Công ty khi đó sẽ có quy mô doanh thu 7-10 tỷ USD và lợi nhuận gộp tăng trưởng hai chữ số.
Bước cuối cùng là chuyển The CrownX, công ty hợp nhất VinCommerce và Masan Consumer, thành nền tảng "Point of Life". Các cửa hàng là điểm đến one-stop shop (tất cả trong một) phục vụ nhu cầu tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe. Chiến lược này giúp công ty không còn thu hút khách hàng chỉ bằng khuyến mãi và giảm giá.
Ông Quang khẳng định ngay trong năm nay sẽ có ít nhất 50% cửa hàng trở thành điểm kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính, bao gồm dịch vụ ngân hàng truyền thống và thanh toán kỹ thuật số. Techcombank là đối tác cung cấp các dịch vụ này.
Từ khi hợp nhất VinCommerce và tiếp nhận khoản lỗ, các chỉ tiêu tài của Masan biến động mạnh. Doanh thu thuần năm ngoái tăng gần 40.000 tỷ đồng so với 2019, nhưng lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty mẹ giảm trên 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty đã đạt mục tiêu đưa EBITDA của VinCommerce về mức hòa vốn vào cuối 2020 và dự kiến dương trong quý đầu năm nay.
Theo tài liệu trình đại hội đồng cổ đông, Masan đặt mục tiêu doanh thu năm nay dao động 92.000-102.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông tăng trưởng ít nhất 100%, đạt 2.500 tỷ đồng. Nếu thuận lợi thì có thể lên đến 4.000 tỷ đồng.
Phương Đông