Tòa án Tối cao Mỹ ngày 7/12 nhóm họp để xem xét một vụ kiện có thể thay đổi tương lai cuộc bầu cử liên bang. Phiên họp dài 3 tiếng này có thể không bao giờ diễn ra nếu không có cựu tổng thống Donald Trump.
Theo Ariane de Vogue, nhà phân tích về các vấn đề pháp lý của CNN, đây là lời nhắc nhở về ảnh hưởng lâu dài của ông Trump đối với Tòa án Tối cao Mỹ. Trước khi rời Nhà Trắng, ông đã bổ nhiệm ba trong số 9 thẩm phán của tòa án, khiến cán cân nghiêng về phe bảo thủ trong các lĩnh vực như tự do tôn giáo và quyền phá thai. Những người ủng hộ ông còn giúp hồi sinh một học thuyết pháp lý lâu nay không được vận dụng, vốn là trọng tâm vụ kiện hôm 7/12, khi họ tìm cách lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.
Đó là học thuyết về quyền độc lập của cơ quan lập pháp cấp bang (ISL), trong đó cho rằng các cơ quan lập pháp bang sẽ không phải tuân thủ các phán quyết của tòa án bang về quy tắc bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử liên bang.
Học thuyết này hầu như không được động đến trong 20 năm, nhưng đã được các thẩm phán bảo thủ của Tòa án Tối cao đề cập nhiều lần trong cuộc tranh luận hôm 7/12. Một phiên bản của học thuyết từng được chánh án William Rehnquist sử dụng năm 2000 để giải quyết tranh chấp pháp lý giữa George W. Bush và Al Gore về nhiệm kỳ tổng thống.
"Cách diễn giải này của học thuyết đã không được quan tâm cho tới cuộc bầu cử năm 2020, khi nó có thể trở thành yếu tố quyết định kết quả bỏ phiếu ở một số bang dao động như Pennsylvania", Carolyn Shapiro, giáo sư luật tại Đại học Luật Chicago-Kent, cho hay.
Những người ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump từng dựa vào các cách diễn giải của ISL để tìm cách lật ngược kết quả bầu cử năm 2020. Giờ đây, các nghị sĩ đảng Cộng hòa ở nghị viện bang Bắc Carolina lại yêu cầu Tòa án Tối cao áp dụng ISL, cho phép nghị viện bang tự đặt ra các quy tắc bầu cử liên bang mà tòa án không thể can thiệp.
Các nhóm bảo vệ quyền bầu cử cho rằng lập trường này sẽ dẫn tới tình trạng nghị viện bang có quyền tuyệt đối về quy định bầu cử mà không cần giám sát tư pháp, thậm chí có thể chọn người chiến thắng theo ý mình.
Họ lo ngại nếu Tòa án Tối cao áp dụng lý thuyết này, nó sẽ vô hiệu hóa các biện pháp kiểm soát và cân bằng cần thiết, làm đảo lộn hệ thống bầu cử, dẫn tới kiện tụng.
Ngoài vụ kiện hôm 7/12 của Bắc Carolina, học thuyết này cũng đã được đề cập trong 8 vụ kiện trong suốt cuộc bầu cử giữa kỳ, theo luật sư bầu cử Dân chủ Marc Elias. Các chuyên gia cho rằng khó có thể gạt học thuyết này sang một bên, khi ít nhất 4 thẩm phán Tòa án Tối cao đã kêu gọi các đồng nghiệp tiếp nhận vụ kiện.
Ông Trump đã tập trung vào Tòa án Tối cao ngay từ giai đoạn tranh cử tổng thống, với cam kết thay đổi đội ngũ thẩm phán. Sau khi đắc cử, ông thực hiện cam kết này khi đề cử ba thẩm phán bảo thủ Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett.
Những thẩm phán này đều tự coi mình là "người theo chủ nghĩa nguyên bản", nhấn mạnh Hiến pháp Mỹ cần được diễn giải dựa theo cách hiểu nguyên bản của nó. Họ cũng ít nhiều bày tỏ sự ủng hộ với học thuyết ISL.
Các chuyên gia lo ngại vụ kiện của các nhà lập pháp bang Bắc Carolina có thể tạo ra nhiều thách thức cho tương lai. Họ nói ngay cả khi Tòa án Tối cao hiện tại khó cho phép cơ quan lập pháp bang có quyền thay đổi kết quả bầu cử tổng thống và tự chọn nhóm đại cử tri riêng, nó có thể truyền cảm hứng cho những vụ kiện tương tự trong tương lai.
Sau khi rời nhiệm sở, Trump gặp nhiều bất lợi ở Tòa án Tối cao. Gần đây nhất, các thẩm phán dường như dọn đường cho việc công bố hồ sơ thuế của ông cho ủy ban quốc hội mà đảng Dân chủ lãnh đạo.
Song Ariane de Vogue, nhà phân tích của CNN, lo ngại ảnh hưởng của ông tại Tòa án Tối cao có thể sẽ khó phai nhạt trong nhiều năm tới, đặc biệt khi ở đó có ba thẩm phán mà ông đề cử, những người sẽ nắm giữ cương vị này trọn đời.
Thanh Tâm (Theo CNN)