Theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình thì tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng; Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Như vậy, với quy định nói trên thì bạn được thừa kế thửa đất 100m2 từ ông nội trước khi kết hôn nên thửa đất này là tài sản riêng của bạn. Việc bạn tặng cho cho chị gái 40m2 (dù trước hay sau khi kết hôn) không làm thay đổi tính chất của tài sản (từ tài sản riêng thành tài sản chung vợ chồng). Do vậy, việc ngân hàng đòi hỏi việc thế chấp quyền sử dụng đất phải có chữ ký của vợ bạn là không có căn cứ. Thậm chí, trường hợp vợ bạn tham gia, ký vào hợp đồng thế chấp còn là hành vi vi phạm bởi vợ bạn không phải là chủ tài sản, không có tư cách tham gia giao dịch.
Để được thế chấp, bạn cần chứng minh với ngân hàng đây là tài sản riêng. Bạn có thể liên hệ với tổ chức công chứng nơi bạn đã làm thủ tục khai nhận thừa kế để yêu cầu họ cung cấp bản sao (bạn nộp phí sao y theo quy định) các giấy tờ liên quan như: Di chúc, bản bản khai nhận thừa kế, văn bản thỏa thuận phân chia thừa kế...
Tuy nhiên, trên phương diện bình đẳng khi giao dịch, ngân hàng có nhận thế chấp hay không, nhận thế chấp với những điều kiện như thế nào là quyền của ngân hàng, khách hàng không có quyền buộc ngân hàng phải nhận thế chấp tài sản. Do vậy, trường hợp ngân hàng vẫn không đồng ý cho bạn thế chấp thì bạn có thể liên hệ với ngân hàng khác để được thế chấp, vay vốn.
Trường hợp vợ chồng bạn ly hôn thì tài sản riêng của mỗi người vẫn do người đó sở hữu, sử dụng, không bị chia tài sản khi ly hôn.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội