Không có thời gian xếp hàng, ngày 16/3, chị Hạnh Dung (quận Cầu Giấy) lên trang ttdk.vn đăng ký lịch hẹn cho chiếc xe sắp đến hạn kiểm định tại trung tâm đăng kiểm 2905V ở huyện Mê Linh. Việc đăng ký tài khoản khá dễ dàng, song trung tâm đã kín chỗ đến 3/4. Các đơn vị khác cũng không thể xếp lịch cho đến giữa tháng sau. "Xe tôi chỉ một tuần nữa hết hạn đăng kiểm, giờ không biết phải làm sao?", chị Dung lo lắng nói.
Chung cảnh ngộ, anh Lê Minh, chủ doanh nghiệp vận tải ở quận Thanh Xuân, cho biết cần đăng kiểm cho hai xe tải đã hết hạn giữa tháng 3. Tuy nhiên, khi đăng ký lịch qua app ở trung tâm 2903S (Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) thì được báo hết chỗ đến giữa tháng 4. Anh cho nhân viên trực tiếp đến trung tâm xếp hàng lấy số thứ tự thì có lịch hẹn cuối tháng 3.
"Chúng tôi phải để hai xe tải nằm nhà trong hai tuần, trong khi có nhiều đơn hàng cần vận chuyển", anh Minh nói.

Phương tiện đăng kiểm tại trung tâm 2904V, huyện Mê Linh. Ảnh: Anh Duy
Từ tháng 2, một số trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội đã nhận đăng ký lịch kiểm định trên trang ttdk.vn hoặc app ttdk do Cục Đăng kiểm Việt Nam triển khai. Việc đăng ký qua Internet giúp nhiều khách hàng không phải đến trung tâm xếp hàng lấy số, giảm thời gian đi lại, chờ đợi.
Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 6 trung tâm đăng kiểm nhận lịch hẹn qua mạng với lượng xe "nhỏ giọt". Mỗi ngày, trung tâm 2903S (quận Nam Từ Liêm) nhận 15 xe đăng ký online, trạm 2904V (Mê Linh) 15 xe, trạm 2906 (Thanh Trì) 9 xe, trạm 3301S (Hà Đông) 7 xe, 2901V (Thanh Trì) 16 xe. Nhiều nhất là trung tâm 2905V (Long Biên) nhận 40 xe.
Trong khi đó nhu cầu kiểm định ở Hà Nội khoảng 3.500 xe mỗi ngày, công suất đáp ứng chỉ 40%. Hầu hết đơn vị đăng kiểm bị quá tải, lịch hẹn kín chỗ trong tháng 3.
Ông Cao Văn Tư, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 2904V (Mê Linh), cho biết nhân sự của đơn vị đang được huy động đến nơi khác nên chỉ còn 3 đăng kiểm viên và 3 cảnh sát giao thông hỗ trợ. Hiện chỉ có một dây chuyền vận hành, tiếp nhận 70-75 xe mỗi ngày, giảm một nửa công suất so với trước đây.
Hàng ngày, trung tâm nhận 15 xe đăng ký online và phát số hẹn cho khoảng 60 người trực tiếp đến, thời gian chờ khoảng 5 ngày đến một tuần. "Chúng tôi khuyến khích chủ xe đặt lịch hẹn qua app nhưng vẫn phải phục vụ những người đến nhận số trực tiếp", ông Tư nói.
Đơn vị này ghi nhận khoảng 20-25% phương tiện bị lỗi mỗi ngày, do đó khuyến cáo người dân sửa chữa xe trước khi đưa đi kiểm định để tránh bị từ chối.

Chủ xe lấy phiếu hẹn đăng kiểm tại Trung tâm 2903 V, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Huy Thành
Theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, đặt lịch hẹn online sẽ hiệu quả trong điều kiện ngành đăng kiểm hoạt động bình thường, người dân chủ động đặt lịch và được đáp ứng nhanh. Tuy nhiên, hiện nay các trung tâm đều quá tải, hàng ngày có lượng người xếp hàng dài nên cần ưu tiên cho những người này và hạn chế nhận khách hàng đặt qua app.
"Khả năng các trung tâm đăng kiểm tiếp nhận xe thấp hơn nhu cầu nên khó mở thêm chỗ đăng ký qua mạng. Khi số đăng kiểm viên tăng, nâng công suất thì các đơn vị sẽ tăng cường tiếp nhận xe qua app", đại diện Cục Đăng kiểm nói.
Khoảng ba tháng qua, công an cả nước liên tiếp điều tra sai phạm trong hoạt động đăng kiểm, khởi tố gần 500 người của hơn 70 trung tâm về các tội: Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Giả mạo trong công tác và Sản xuất, mua bán công cụ, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật.
Đến 17/3, cả nước có 58 trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động trong tổng số 281 trung tâm cả nước. Riêng Hà Nội có 15 trạm đăng kiểm hoạt động với 20 dây chuyền (giàm 2/3 so với trước), mỗi ngày kiểm định được khoảng 1.400 xe.