Khi nhận bản vẽ, bà Tan - giám đốc một studio kiến trúc, có hơn 30 năm kinh nghiệm về thiết kế, thi công cũng như thương thuyết với khách hàng và chủ đầu tư - đã trầm ngâm rất lâu. Bà đánh giá cao ý tưởng của tôi khi tìm cách tích hợp các yếu tố về cây xanh, không gian mở, không gian cộng đồng và tính sinh thái vào trong khắp mặt bằng. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng tôi sẽ phải chỉnh sửa lại rất nhiều. Bởi tôi đã dành quá nhiều diện tích sàn cho cây xanh, trong khi các chủ đầu tư, dù rất muốn theo đuổi ý tưởng thiết kế bền vững, đều không muốn hy sinh quá nhiều diện tích để trồng cây. Họ cần được đảm bảo thiết kế có khả năng sinh lợi tối đa.
Cân bằng giữa sinh thái và kinh tế là bài toán khó, không chỉ với một chủ đầu tư, mà với cả một thành phố, một quốc gia.
Nhưng "rừng trong thành phố" là khái niệm đang ngày càng được quan tâm tại nhiều nơi trên thế giới. Ưu điểm quan trọng của việc tạo ra rừng trong thành phố là khả năng "giải nhiệt" cho đô thị, mang lại môi trường đáng sống hơn.
Một số nơi đã thành công trong việc áp dụng mô hình rừng trong thành phố và tận dụng không gian cây xanh trong đô thị. Singapore xây mới các khu công viên cây xanh trên nền đất bồi lấn biển như khu Gardens by the Bay, mở cửa năm 2012. Nơi đây không chỉ mang lại môi trường sống tự nhiên cho quận trung tâm Singapore, mà còn là điểm đến nổi tiếng, đã thu hút hơn 50 triệu lượt du khách tham quan. Thành phố New York cũng thành công với công viên High Line, nơi chuyển đổi một đường ray xe lửa bỏ hoang thành khu vườn cây xanh rộng lớn, tạo nên không gian công cộng trên cao đầy ấn tượng.
Một trong những vấn đề chính khi phát triển rừng trong thành phố chính là không gian hạn chế, nhất là ở các thành phố đã có lịch sử phát triển lâu đời như Hà Nội và TP HCM. Tại đây, không gian xanh bị giới hạn bởi các công trình và cơ sở hạ tầng hiện có. Khó có thể nghĩ đến việc thay hoàn toàn hàng trăm tòa nhà ở vị trí đắc địa ngay trung tâm để làm công viên. Hơn nữa, phủ xanh đô thị đòi hỏi đầu tư kinh phí lớn, từ việc chăm sóc, bảo vệ đến duy trì cây xanh.
Với khí hậu, mật độ xây dựng cao tầng, diện tích đất hạn chế và văn hóa tương đồng, tôi rất ấn tượng với cách Singapore đã thực hiện để trở thành một trong những thành phố với mật độ cây xanh hàng đầu thế giới. Năm 2009, Bộ Quản lý Công viên Quốc gia của Singapore (NPARKS) đã phát triển Skyrise Greenery Incentive Scheme (Chương trình Khuyến khích phát triển mảng xanh trên cao SGIS) nhằm thúc đẩy việc trồng cây xanh trên các tòa nhà cao tầng, đồng thời góp phần vào tầm nhìn của Singapore về "thành phố trong rừng và rừng trong thành phố".
Có hai loại hoạt động về cây xanh đô thị được tài trợ bởi SGIS. Thứ nhất là mảng xanh trên mái, cụ thể là các mái cỏ hoặc dây leo và phần sân vườn cảnh quan trên tầng thượng các tòa nhà. Thứ hai là cây xanh theo chiều dọc trên mặt đứng và tường của các tòa nhà hiện hữu và chuẩn bị xây mới.
Chủ sở hữu các nhà máy, trường học, văn phòng và loại công trình thương mại khác có thể nộp đơn tham gia chương trình này. NPARKS tài trợ tới 50% chi phí dự án trồng cây xanh. Người tham gia phải đăng ký kế hoạch cây xanh và chi phí ước tính. Sau khi được phê duyệt, các ứng viên phải hoàn thành việc cài đặt hệ thống giám sát. Chi phí sẽ được hoàn trả sau khi NPARKS kiểm tra đạt được ít nhất 80% diện tích cây xanh theo kế hoạch.
Hiển nhiên, các bản vẽ, cảnh quan, mặt cắt... thể hiện các yếu tố liên quan đến cây xanh phải được nộp cho cơ quan thẩm định, tránh trường hợp nhà đầu tư xây "mảng xanh giả" hoặc làm mảng xanh gian dối để hưởng ưu đãi.
Kể từ năm 2009, hơn 100 tòa nhà bao gồm tòa nhà dân cư, trung tâm mua sắm, văn phòng, trường học, bảo tàng, công ty và khách sạn đã được hưởng lợi từ chương trình tài trợ của SGIS.
Một câu hỏi được đặt ra ở đây: nếu đã có không gian, thì xanh bao nhiêu, xanh như thế nào là đủ? Một sân golf nhìn từ trên cao là một mảng xanh tuyệt đẹp, tuy nhiên, chúng không có nhiều giá trị về sinh thái với cộng đồng. Thậm chí, việc chăm sóc thảm cỏ sân golf phải sử dụng rất nhiều hóa chất, làm ảnh hưởng đến nguồn nước xung quanh. Để xem xét đánh giá vấn đề "xanh nhưng không xanh" kể trên, Singapore sử dụng khái niệm Green Plot Ratio (GRP) - là một chỉ số kiến trúc được sử dụng để đánh giá và lập kế hoạch do tiến sĩ Ong Boon Lay đề xuất. Bằng cách sử dụng GPR, kiến trúc sư có đơn vị đo lường cụ thể để xác định số lượng cây xanh cần được tích hợp để làm giảm nhiệt độ trong công trình xây dựng và nâng cao chất lượng không gian mở.
Với bối cảnh Việt Nam, khi chính mỗi người dân vẫn đang cố gắng xanh hóa từng khung cửa sổ, từng mái nhà hộ gia đình một cách tự phát thì việc thúc đẩy phong trào trồng cây trước mỗi mái hiên, ban công cũng như vườn cây trên mái càng trở nên cần thiết. Bài học của Singapore, một nước láng giềng với khí hậu và mật độ đô thị tương đồng, là một ví dụ sát sườn về khung chính sách cần có nhằm quản lý và khuyến khích nhà đầu tư cũng như người dân khi phát triển rừng trong đô thị.
Trình Phương Quân