Khảo sát mới đây của Viện Khoa học pháp lý thuộc Bộ Tư pháp, gần 98% doanh nghiệp khi được hỏi cho rằng, nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Trong đó 2/3 bức xúc nhất là tiêu cực hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tiếp theo là những phiền hà trong thủ tục cấp phép xây dựng (43,3%) và thuế (39,5%).
Hiệp hội Công thương Hà Nội cũng công bố kết quả thăm dò ý kiến, có tới 89% doanh nghiệp trên địa bàn vẫn chọn giải pháp đàm phán, dàn xếp với cán bộ thuế mỗi khi quyết toán thuế, mặc dù từ ngày 1/1, ngành thuế thủ đô đã áp dụng phương thức doanh nghiệp tự tính, khai, nộp và chịu trách nhiệm về thuế.
Những quy định về thuế luôn thu hút nhiều yêu cầu sửa đổi của doanh nghiệp nhưng thực hiện quá chậm. Đơn cử như những kiến nghị sửa đổi mức áp giá tính thuế của hải quan, thuế trước bạ tính theo giá trị tài sản chứ không dựa trên phí tổn dịch vụ, cách xác định chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp còn bất hợp lý.
Nhiều doanh nghiệp bức xúc, các khoản chi tiêu thực như tiền vé máy bay, taxi, công tác phí, khách sạn cho nhân viên đi công tác... không được cơ quan thuế chấp nhận là khoản chi hợp lệ, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị đẩy lên cao một cách không thực chất. Thuế thu nhập doanh nghiệp trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Ngay việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng, không hiểu sao chỉ nhận vào ngày 10 hằng tháng, gây nên ách tắc không đáng có ở cơ quan thuế...
![]() |
Các nhà đầu tư trong và ngoài nước luôn quan tâm đến thủ tục hành chính tại Việt Nam. Ảnh: P.A. |
Thực tế này khiến nhiều chuyên gia kinh tế, tư pháp lo lắng và sốt ruột trước tình trạng "con rùa" cải cách hành chính đang bò quá chậm đến tụt hậu trong bối cảnh hội nhập kinh tế như vũ bão, tại hội thảo "Cải cách hành chính và doanh nghiệp" diễn ra sáng 14/4 ở TP HCM.
Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại, Bộ Thương mại, Phạm Tất Thắng không phủ nhận rằng, nhà nước đã tạo ra môi trường tốt để các mặt hàng cùng chủ nó là doanh nghiệp ra thị trường thế giới với một tư thế mới. Trong khi đó, thị trường nội địa mở cửa nhưng vẫn giữ được sự ổn định cần thiết và tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh.
Song, theo ông Thắng, nếu nhìn vào thực lực cạnh tranh giữa Chính phủ và Chính phủ, đặc biệt trong thực hiện cải cách nền hành chính quốc gia, thấy những gì làm được còn quá ít ỏi so với đòi hỏi của thời cuộc, so với nguyện vọng của giới doanh nhân và cả người dân Việt Nam. "Dường như khi ban hành các văn bản pháp quy, nhiều bộ ngành còn muốn tăng thêm quyền lực cho chính mình chứ chưa thực sự vì lợi ích của doanh nghiệp và người dân", ông Thắng nhấn mạnh.
Doanh nghiệp muốn thành lập vẫn phải qua 3 cửa Bộ, 5 bước với tối thiểu 35 ngày và trên 3 triệu đồng. Nhiều đề nghị hợp lý của doanh nghiệp như thống nhất mã số thuế, mã số xuất nhập khẩu, đăng ký kinh doanh... vẫn chỉ dừng lại ở mức độ xem xét. Quy định cần phải có chứng chỉ hành nghề mới được kinh doanh đang bị lạm dụng và là nỗi bức bách của doanh nghiệp vì không phù hợp xu thế kinh doanh đa ngành nghề, lĩnh vực...
Phó Viện trưởng Khoa học pháp lý của Bộ Tư Pháp Lê Hồng Hạnh cũng cho rằng, trở ngại nhất hiện nay của doanh nghiệp là kinh doanh có điều kiện và các loại giấy phép. Nghiên cứu do Phòng thương mại Việt Nam tiến hành mới đây cho thấy, trong 37 loại giấy phép thì có 5 không đủ và 19 có vấn đề về cơ sở pháp lý. "Điều này chứng tỏ một số ngành đã tạo những quyền hạn bổ sung cho mình", Phó viện trưởng khẳng định. Cả khi doanh nhân muốn khai tử doanh nghiệp của mình cũng phải chịu nhiều thủ tục rườm rà về phá sản, giải thể nếu không muốn bị mang tiếng là bỏ trốn.
Ông Nguyễn Thiềng Đức, Viện Kinh tế TP HCM cũng không khỏi bức xúc khi đưa ví dụ điển hình về Công ty du lịch Bến Thành. Doanh nghiệp này đang đối mặt với nguy cơ bị mất trắng 10 tỷ đồng - số tiền để đầu tư nâng cấp cụm nhà hàng vũ trường Tự Do, Phương Đông - nhưng hiện không được xem xét gia hạn giấy phép kinh doanh vì các quy định pháp luật xa rời thực tế.
Lý do, theo Sở Văn hóa thông tin TP HCM, nghị định 11/2006 về quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, chỉ có 4 đối tượng được xem xét cấp phép là khách sạn, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó trên thực tế, nhiều năm qua, có khá nhiều vũ trường hoạt động với chủ đầu tư không thuộc 4 đối tượng này. Các cơ quan soạn thảo nghị định đã "quên" rằng nhiều mô hình vũ trường của các công ty du lịch được cấp phép theo Luật Doanh nghiệp. Cho nên, hầu hết trường hợp này hiện không được gia hạn giấy phép. "Có nghĩa luật và nghị định đã không thống nhất nhau, hiểu theo nghĩa nào cũng được", ông Đức nhận xét.
Để giải quyết cho doanh nghiệp, Sở Văn hóa thông tin đã gửi 2 văn bản đề nghị Bộ chủ quản hướng dẫn thực hiện, cụ thể trong trường hợp Công ty du lịch Bến Thành. Nhưng gần 1 năm qua, vẫn chưa có phản hồi từ Bộ. Cuối cùng, Sở buộc phải yêu cầu Công ty Bến Thành tạm đóng cửa 2 vũ trường và hứa sẽ xem xét lại khi có ý kiến của Bộ.
Phan Anh