Dù tiền cọc đã nộp đủ, hồ sơ mua bán, vay vốn cũng đã xong hơn cả tháng nay vẫn chưa nhận được thông tin bên showroom báo lên nhận xe.
Anh liên hệ qua điện thoại thì được trả lời là bên ngân hàng chưa thanh toán số tiền còn lại. Tiếp đó liên hệ nhân viên phụ trách làm hồ sơ hỏi thì lại được trả lời là "chờ room". Anh gọi thẳng cho trưởng phòng thì người này nghe được điện thoại vài lần rồi cũng "im re" luôn.
Anh hiểu rằng thời điểm này đi vay phải chấp nhận mức lãi suất tăng nhưng bấm bụng mà chịu, vì nghĩ rằng gia đình tiết kiệm một chút cũng sẽ trang trải được để có xe chạy kiếm thêm tiền. Nhưng thực tế đâu chỉ chấp nhận mức lãi suất tăng là được việc.
Đợi không có câu trả lời chính xác nên gia đình đã xin rút số tiền đã nộp đặt cọc mua xe cộng với số tiền vay mượn bên ngoài để trả cho bên bán xe và chờ đợi khi nào ngân hàng thật sự có room để giải ngân thì sẽ làm hồ sơ lại, vì không mua được xe là lỡ bao nhiêu việc.
Trường hợp khác, một chủ doanh nghiệp có trụ sở tại quận 8, TP HCM mà tôi biết hiện này đã nhiều lần gọi điện thoại cho bạn bè để mượn tiền xoay sở cho công ty. Thậm chí buộc phải đi vay bên ngoài với lãi suất khá cao nhưng cũng phải chấp nhận.
Lý do là không thể chờ đợi ngân hàng giải ngân tiền vay, dù cũng chấp nhận mức lãi suất tăng như hiện nay. Hiện tại doanh nghiệp cực kỳ khó khăn khi thời gian Tết sắp tới phải lo đời sống của người lao động, tiền lương, tiền thưởng... mà đơn hàng thì giảm, công nợ tăng cao.
Không chỉ riêng ở những trường hợp vừa kể mà còn nhiều trường hợp khác phải chờ, nếu chờ không được thì buộc phải đi vay bên ngoài để trả khoản nợ nếu không muốn bị nợ xấu.
Có thể thấy rằng kể từ giữa năm đến nay, thị trường có rất nhiều biến động, thay đổi khó lường trước. Lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm được các ngân hàng điều chỉnh hướng tăng lên gần như gấp đôi so với mức lãi suất đầu năm dẫn đến lãi suất cho vay tăng cao.
Tôi nghĩ bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp khi đầu vào (lãi suất huy động) tăng thì đầu ra (lãi suất cho vay) cũng sẽ phải tăng theo. Thế nhưng điều đó có thể một phần nào đó ảnh hưởng nhất thời đến kế hoạch tài chính của khách hàng vay, dù đó là cá nhân hay doanh nghiệp.
Nhưng thực tế điều éo le của người đi vay là như trường hợp anh Trường đã kể ở trên, dù đã thanh toán đủ 20% giá trị xe nhưng tất cả đều phải chờ "room" mới thanh toán được cho bên bán xe dù các thủ tục, hồ sơ đã được thực hiện xong trước đó.
Tấn Lộc
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.