Trên đây là hình ảnh người dân lũ lượt dắt xe lên vỉa hè giờ cao điểm ở đường Tố Hữu (Hà Nội). Tôi bị cuốn vào hình ảnh này nhưng không còn thấy hài hước nữa và nhận thấy sự đối phó trở nên gay gắt.
Mật độ dân cư đông khiến đoạn đường Tố Hữu thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng. Để đối phó tình trạng này, dải phân cách được nối dài bằng cách bịt lại một số điểm quay đầu xe. Hòng làm cho dòng xe thông suốt, người tham gia giao thông sẽ phải đi thêm một đoạn dài mới có thể quay đầu lại chỗ rẽ (nhưng thực tế giải pháp này không hiệu quả).
Và để đối phó ngược lại, người dân nghĩ ra "trăm phương ngàn kế" để có thể đến đích nhanh nhất. Cụ thể, khi không có cảnh sát giao thông, để tiết kiệm thời gian người dân bất chấp nguy hiểm chọn giải pháp điều khiển xe máy đi ngược chiều. Khi có lực lượng chức năng thì dắt bộ xe máy lên vỉa hè có vẻ như vẫn nhanh hơn đi xe vòng lại.
Câu chuyện người dân và chính quyền nghĩ ra cách đối phó nhau không thể làm cho đoạn đường hết tắc mà chỉ thêm lộn xộn. Sự mệt mỏi khi phải đứng chôn chân mỗi ngày hàng giờ trong khói bụi đã vắt kiệt ý thức của người dân, buộc họ phải nghĩ ra cách "lách luật" nên tạo ra những hình ảnh không đẹp.
Có thể tới đây luật giao thông sẽ bổ sung thêm việc xử phạt đối với xe máy dắt bộ trên vỉa hè nhưng không có cách này sẽ lại có cách khác. Điều sâu xa hơn, giao thông đang dần đi vào ngõ cụt.
Cơ quan hoạch địch đô thị phải chăng hết cách khi làm con đường Tố Hữu giữa cánh đồng nhưng chỉ 3 làn, giờ còn 2 vì một làn nhường BRT. Đồng thời lại không chừa đất dự phòng, chung cư xây sát mặt đường. Phương tiện công cộng cũng chưa thể phát triển. Vậy người dân có cách nào hơn ngoài bất lực?
Độc giả Nguyên Vũ