Giới chức tình báo và quân sự Mỹ cho biết họ đang thu thập được ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy Iran đứng sau vụ tấn công nhằm vào hai nhà máy lọc dầu lớn nhất Arab Saudi hồi cuối tuần trước. Nhưng chính quyền Tổng thống Donald Trump lại phản ứng khá chậm chạp và mơ hồ trước sự việc.
Trump đã gói gọn sự mơ hồ đó trong dòng tweet đăng hôm 16/9. "Có lý do để tin rằng chúng tôi biết thủ phạm. Chúng tôi đã khóa mục tiêu và lên đạn, chỉ còn chờ xác minh", ông chủ Nhà Trắng đe dọa. Ông tiếp tục làm gia tăng hoài nghi với tuyên bố "đang chờ thông tin từ Arab Saudi để xem ai gây ra cuộc tấn công" và "với điều kiện nào" thì tiến hành đáp trả.
Những động thái phản ứng có thể được cân nhắc bao gồm trả đũa quân sự cho đến tăng cường trừng phạt kinh tế hay thậm chí đàm phán ngoại giao với Iran.
5 ngày sau cuộc tấn công, Trump chỉ thị Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin "tăng đáng kể" lệnh trừng phạt với Iran như một biện pháp đáp trả ban đầu, chỉ hai tiếng sau khi giới chức Arab Saudi trưng bằng chứng là mảnh vỡ tên lửa và máy bay không người lái, cáo buộc Iran "bảo trợ" vụ tấn công nhà máy dầu. Tuy nhiên, ông không cung cấp chi tiết nội dung những biện pháp trừng phạt tăng cường.
Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran từ tháng 4/2018 và kể từ đó, Washington bắt đầu tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Tehran nhằm thực thi cái gọi là chiến lược "gây áp lực tối đa". Lệnh trừng phạt khiến xuất khẩu dầu mỏ của Iran giảm từ 2,5 triệu thùng/ngày xuống còn 500.000 thùng/ngày.
Một chuyên gia có kinh nghiệm về vấn đề Iran đánh giá có rất ít khả năng các đồng minh thân cận của Mỹ tán thành những biện pháp trừng phạt bổ sung. "Nỗ lực tập hợp đoàn kết thế giới sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu Mỹ không phải là nước đầu tiên tái áp đặt các biện pháp trừng phạt mà không ai đồng tình, ngoại trừ Israel, Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE)", Richard Nephew, chuyên gia hàng đầu về biện pháp trừng phạt trong đội ngũ Mỹ từng đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Iran, nhận định. "Tôi thực sự lo sợ rằng lời nói của Mỹ giờ đây không còn được lắng nghe và khi bàn đến chuyện nguồn cung dầu thế giới bị gián đoạn, người ta sẽ bảo 'Ai là người châm ngòi cho việc này chứ?'".
Iran phủ nhận mọi cáo buộc trong khi phiến quân Houthi ở Yemen do Iran hậu thuận lên tiếng nhận trách nhiệm ngay từ đầu.
Như một phần trong chiến lược "gây áp lực tối đa", Mỹ hồi tháng 5 tuyên bố bãi bỏ miễn trừ trừng phạt với các nước, bao gồm cả Trung Quốc, nhập khẩu dầu từ Iran. Từ đó đến nay, Iran bị cáo buộc gây ra hàng loạt vụ tấn công nhằm vào tàu dầu đi qua Vùng Vịnh và bắn hạ máy bay không người lái Mỹ.
"Về cơ bản, Iran đã bị dồn vào chân tường vì cuộc chiến tranh kinh tế do Mỹ và các đồng minh khu vực gây ra", Kaveh Afrasiabi, nhà khoa học chính trị nghiên cứu mối quan hệ Mỹ - Iran hiện giảng dạy tại Đại học Tehran, bình luận. "Toàn bộ chiến lược của Mỹ dựa trên một giả định rằng Iran sẽ sụp đổ dưới áp lực và phải tuân theo những yêu cầu phóng đại, vô lý từ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo".
Giới lãnh đạo Iran có thể trở nên bạo dạn hơn trước cách mà Washington phản ứng với những động thái gây hấn gần đây, đặc biệt là việc Tổng thống Trump rút lại quyết định không kích Iran vào phút chót hồi tháng 6 sau khi Iran bắn rơi máy bay không người lái Mỹ.
"Khi Mỹ không thực hiện cuộc không kích, người Iran đã hiểu rằng Trump sẽ không làm những việc tiềm ẩn nguy cơ gây rủi ro cho khả năng tái đắc cử của ông ấy", Barbara Slavin, giám đốc chương trình Sáng kiến Tương lại Iran tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận xét.
"Tôi nghĩ có lý do để khiến người Iran tin Tổng thống Trump sẽ không hành động với họ, bất kể ông ấy nói gì", Nephew cho biết thêm.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, vốn là một người ủng hộ trung thành của Trump, cũng cho rằng việc ông chủ Nhà Trắng hủy không kích hồi tháng 6 là cột mốc mang tính bước ngoặt. "Phản ứng chừng mực mà Tổng thống Trump đưa ra trước vụ máy bay không người lái Mỹ bị bắn rơi rõ ràng đang được chính quyền Iran coi là biểu hiện của sự yếu đuối", ông viết trên Twitter hôm 17/9.
Đáp lại, Tổng thống Trump tweet: "Không, Lindsey, đó là biểu hiện của sức mạnh mà một số người không thể hiểu được".
Các lãnh đạo quân sự Mỹ đã liệt kê những lựa chọn trả đũa Iran, từ không kích nhằm vào những cơ sở dầu mỏ đến tấn công mạng. Nhưng dường như Lầu Năm Góc không mặn mà với lựa chọn phản ứng vũ trang.
Giới chức quân sự Mỹ đánh giá một cuộc tấn công vào Iran nhiều khả năng sẽ đi kèm cái giá rất đắt đối với 5.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Iraq, nơi có đồng minh của Iran. Nhóm dân quân thân Iran mang tên Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF) ở Iraq có thể sẽ trả đũa quyết liệt các binh sĩ Mỹ. Các chiến hạm Mỹ ở vịnh Ba Tư, trong đó có nhiều chiếc đang neo tại cảng Bahrain, cũng có thể trở thành mục tiêu trả thù của tàu hải quân, tên lửa và máy bay không người lái Iran.
Mỹ không có hiệp ước phòng thủ với Arab Saudi và hiện chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các đồng minh chính của Washington sẽ tham gia vào một liên minh quốc tế nhằm thực thi hành động quân sự tập thể với Tehran.
Bên cạnh đó, chưa rõ liệu Arab Saudi có muốn một cuộc chiến nổ ra với Iran, đối thủ lâu nay ở khu vực, hay không.
"Tôi nghĩ Arab Saudi và UAE hiểu rõ những thiệt hại mà họ sẽ phải chịu nếu căng thẳng leo thang thành xung đột ở vịnh Ba Tư", Slavin từ Hội đồng Đại Tây Dương cho hay. "Họ không tin tưởng rằng chính quyền Trump biết họ đang làm gì khi theo đuổi chiến lược 'gây áp lực tối đa' lên Iran. Vậy nên, cớ sao họ phải bật đèn xanh cho một kịch bản leo thang".
Theo chuyên gia về biện pháp trừng phạt Nephew, Iran đang chống lại áp lực kinh tế từ Mỹ bằng cách tấn công các đồng minh Mỹ ở khu vực. "Họ muốn đồng minh của chúng ta bị tổn thương để chúng ta ngừng gây tổn thương cho họ", ông nói.
Một số người đặt hy vọng vào một giải pháp ngoại giao. Tổng thống Trump và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani sẽ gặp mặt vào tuần tới tại phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, cơ hội tiềm năng cho một hội nghị thượng đỉnh chưa từng có giữa hai lãnh đạo.
"Tôi sẽ không loại bỏ khả năng đàm phán ngoại giao dù cơ hội xảy ra khá mong manh", Afrasiabi cho biết.
Song số khác lại tỏ ra bi quan hơn. "Rouhani có nhiều quân bài trong tay nhưng đàm phán với Trump không nằm trong số đó", Slavin nhận xét. "Liệu Tổng thống Iran có nên gặp Trump không khi mà các biện pháp 'gây áp lực tối đa' vẫn từng ngày nghiền nát Iran?".
Nephew, chủ nhiệm chương trình Iran tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama, quan ngại trước nguy cơ nổ ra chiến tranh khi Iran tái khởi động chương trình hạt nhân và Mỹ tiếp tục thắt chặt các biện pháp trừng phạt. "Điều đó khiến nguy cơ căng thăng leo thang thành xung đột quân sự trở nên hiện hữu và có thể xảy ra bất cứ lúc nào", ông nói. "Một khi đạn đã bay, các kịch bản tương lai sẽ chỉ đi từ xấu đến rất xấu".
Vũ Hoàng (Theo NPR)