Bệnh nhân đến Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng, ngày 7/9, cấp cứu. Anh bị bỏng đã lâu, đang điều trị tại bệnh viện thì xin về nhà, tự điều trị bằng thuốc nam. Khoảng một tuần nay, vết bỏng sưng nề, tấy đỏ vùng chân trái, mặt trước đùi trái có vết loét rộng khoảng 15x20 cm, chảy dịch mủ, tình trạng mỗi lúc một nặng nên mới đi viện.
Bác sĩ xác định bệnh nhân nhiễm trùng vết bỏng vùng mặt trước đùi trái, làm sạch dịch mủ, truyền kháng sinh, theo dõi tại Khoa Chấn thương chỉnh hình.
Theo bác sĩ, bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng vết bỏng do đắp thuốc nam không rõ nguồn gốc. Có những bệnh nhân vùng bỏng đã hoại tử sâu, phải ghép da rất phức tạp, thời gian điều trị kéo dài và tốn rất nhiều chi phí.
Tổn thương bỏng rất đa dạng, ở nhiều vị trí như mặt, chân, lưng, cánh cẳng tay, bàn tay, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, để lại những di chứng nặng nề.
Khi bị bỏng, trước tiên cần cách ly bệnh nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, xả vết bỏng dưới vòi nước mát ít nhất 15 phút (tuyệt đối không dùng đá, tránh gây bỏng lạnh). Hạ nhiệt vùng bỏng sẽ giảm sưng, giảm độ sâu của vết thương, giảm nguy cơ gây sốc cho nạn nhân.
Không nên bóc bọng nước, kết vảy do dễ bị nhiễm trùng, tổn thương nặng hơn. Tuyệt đối không xoa dầu, bôi kem đánh răng, trứng gà, mỡ trăn, dầu cá, đắp lá chữa bỏng... lên vùng bỏng vì dễ bị nhiễm trùng.
Sau khi sơ cứu, cần đưa ngay người bệnh đến bệnh viện để được khám bệnh và điều trị.
Thùy An