Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Đình Khoa, Trưởng Khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 12/5, cho biết bệnh nhân nhập viện cách đây một tuần. Toàn bộ phần mềm xung quanh hai khớp gối bị viêm nhiễm, sưng nề, tấy đỏ, xuất hiện nhiều phỏng nước. Một số nốt phỏng bị loét, dấu hiệu nhiễm trùng, trên nền bệnh lý thoái hóa khớp gối.
Bệnh nhân kể gần đây đau nhức hai chân, ngồi xuống đứng lên rất khó khăn. Bà không rõ loại lá đắp, hái theo chỉ dẫn của người hàng xóm. Hai ngày đầu, vừa đắp thuốc, vừa uống thuốc nam nên bà thấy dễ chịu hơn. Sau một tuần, hai đầu gối bắt đầu nổi nhiều nốt phồng, sưng, ngứa.
"Ban đầu tôi cứ nghĩ bị sâu gì đó, hai ngày vẫn không khỏi nên mới nghĩ đến nguyên nhân từ lá đắp", bệnh nhân nói.
Theo bác sĩ Khoa, may mắn sau khi phát hiện triệu chứng bất thường, bệnh nhân đã dừng đắp thuốc, đi khám kịp thời. Sau một tuần nhập viện điều trị kháng sinh, kháng viêm tại chỗ, tổn thương hồi phục ổn. "Bác sĩ đang làm thêm các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác bệnh nhân chỉ bị thoái hoá khớp hay còn các bệnh lý viêm khớp khác để có hướng điều trị lâu dài", bác sĩ Khoa nói.
Theo bác sĩ Khoa, thoái hoá khớp rất phổ biến ở người phụ nữ trung niên và cao tuổi, là bệnh mạn tính, chưa thể điều trị dứt điểm hay phục hồi tổn thương sụn khớp. Tuy nhiên, nếu chẩn đoán điều trị phù hợp ở các cơ sở y tế chuyên khoa, bệnh có thể ổn định, kiểm soát triệu chứng, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
Hiện nay, thoái hóa khớp phát hiện ở một số người tương đối trẻ, 30-40 tuổi. Bệnh liên quan yếu tố cơ địa, di truyền, gia đình, tình trạng thừa cân béo phì, tập luyện sinh hoạt không đúng tư thế, bệnh lý khớp mạn tính khác không được điều trị hợp lý...
Bệnh thoái hóa khớp gối giai đoạn sớm có biểu hiện cứng khớp sau khi ngồi lâu hoặc khi thức dậy buổi sáng. Theo thời gian, tình trạng nặng dần thì biểu hiện đau thường xuyên hơn, hạn chế khả năng vận động.
Nhiều bệnh nhân thấy đau, cứng khớp kéo dài, ảnh hưởng đi lại, vận động, thường tự ý mua thuốc, áp dụng các phương pháp dân gian không hợp lý, phản khoa học, gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng tính mạng.
Bệnh viện Chợ Rẫy thường tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị phỏng rộp, viêm nhiễm phần mềm, thậm chí nhiễm trùng huyết, sau đắp thuốc, cắt lễ. Có trường hợp người đau khớp trên cơ địa tiểu đường cũng đi cắt lễ, dẫn đến biến chứng nhiễm trùng nặng.
Bác sĩ Khoa khuyến cáo người bị đau khớp cần khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán xác định bệnh lý, tư vấn, hướng điều trị.
"Thoái hóa khớp không thể điều trị triệt để nhưng có thể kiểm soát, sống chung với nó", bác sĩ Khoa nói.
Ở một số trường hợp cần thiết bác sĩ sẽ chỉ định tiêm thuốc, phẫu thuật thay khớp... Bệnh nhân cần giữ cân nặng lý tưởng, có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, vận động phù hợp, tránh hoạt động chạy nhảy, đi bộ quá mức, tránh lạm dụng rượu bia, thuốc lá.