Người bệnh phát hiện ung thư vú cách đây một năm, bác sĩ tư vấn nhập viện phẫu thuật cắt tuyến vú trái. Tuy nhiên, chị xin ra viện và về nhà đắp thuốc nam. Sau một thời gian, khối u ngày càng to, biến dạng, chảy máu nhiều, người bệnh đau đớn, giảm cân, ăn uống kém.
Bác sĩ Quách Thanh Tùng, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, ngày 27/4 cho biết khối u sưng to, lở loét, hoại tử, cần phẫu thuật cắt bỏ và nạo vét hạch, chuyển vạt da tự thân che phủ tổn thương. Cuộc mổ diễn ra thuận lợi, bệnh nhân đang dần hồi phục sức khỏe. Sau giai đoạn hậu phẫu, người bệnh sẽ được hóa trị, xạ trị.
Hiện các phương pháp điều trị ung thư vú đã có những bước tiến lớn, như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, kết hợp với liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp sinh học (điều trị nhắm trúng đích). Tuy nhiên, yếu tố then chốt vẫn là chữa trị khi ung thư đang ở giai đoạn sớm. "Đắp thuốc nam đắp lên vú không thể điều trị được khối u hay làm tiêu u như nhiều người vẫn nghĩ", bác sĩ Tùng nói.
Theo bác sĩ, u ở vú có thể lành hoặc ác, thường còn do ảnh hưởng của nội tiết trong cơ thể. Khi phát hiện ung thư vú, người bệnh cần điều trị kịp thời, đừng bỏ lỡ giai đoạn đầu. Phụ nữ, đặc biệt nhóm trên 35 tuổi, thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm.
Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và các nước. Theo thống kê của dữ liệu Ghi nhận ung thư (Globocan) năm 2020, mỗi năm Việt Nam phát hiện 182.563 ca mới ung thư, trong đó ung thư vú là 21.555 ca (chiếm tỷ lệ 11,8%).
Số bệnh nhân ung thư vú có chiều hướng gia tăng qua các năm. Năm 2013 tỷ lệ ung thư vú khoảng 24,44/100.000 phụ nữ, đến năm 2018 tăng lên 26,4. Ước tính trung bình mỗi năm cả nước có hơn 15.000 phụ nữ mắc ung thư vú, trên 6.000 trường hợp tử vong, 42.000 người đang sống chung với bệnh.
Số liệu của cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IACR) ghi nhận năm 2020 có 21.555 ca mắc mới, tăng hơn 6.300 ca so với năm 2018. Trong danh sách 5 bệnh ung thư hàng đầu Việt Nam, ung thư vú xếp thứ ba.
Minh An