Thông tin trên được ông Lê Văn Tốn, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Sông Đà cho biết.
Theo ông Tốn, thời gian đào tạo kỹ sư, công nhân tại Nga và Nhật của Sông Đà kéo dài khoảng 2 – 3 năm và đây sẽ là lực lượng nòng cốt trong nước tham gia cùng các nhà thầu của Nga, Nhật Bản xây dựng các tổ máy của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2 trong những năm tới.
Hồi đầu tháng 2 vừa qua, Sông Đà 5 đã ký hợp đồng với Công ty NIAEP của Nga để đưa một số công nhân đầu tiên cùng tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân Rostov của Nga. Đây là dự án lớn của Nga với thiết kế 4 tổ máy công suất 4.000 MW, trong đó 2 tổ máy đã vận hành và 2 tổ máy còn lại dự kiến hoàn thành trong năm 2015.
Sông Đà 5 là nhà thầu trong lĩnh vực thủy điện, hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, đã tham gia xây dựng các dự án điện lớn như Sơn La, Lai Châu, Sông Bung 4.
Theo quyết định của Thủ tướng, đến năm 2030 Việt Nam sẽ xây dựng 13 tổ máy điện hạt nhân. Giai đoạn đầu, từ nay đến năm 2015 sẽ hoàn thành việc phê duyệt dự án đầu tư, địa điểm, tổ chức lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị chuyên gia kỹ thuật nòng cốt để khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Dự kiến đến năm 2020, sẽ hoàn thành việc xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào vận hành với công suất 1.000 MW, tổ máy 2 vận hành vào năm 2021. Đồng thời, khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và tiến hành công tác chuẩn bị địa điểm cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo. Kế hoạch là đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân khoảng 8.000 MW và sẽ tăng lên 15.000 MW vào năm 2030 (chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện).
Theo TBKTSG