Khi "cuộc chiến khí đốt" với Moskva ngày càng trở nên căng thẳng, nhiều quốc gia châu Âu đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung để thay thế năng lượng Nga. Cơn khát khí đốt của châu Âu đã thu hút sự chú ý của các nhà sản xuất năng lượng truyền thống cũng như mới nổi.
Nhận thấy tiềm năng từ hoạt động xuất khẩu năng lượng, Cộng hòa Cyprus, quốc đảo nhỏ bé ở Địa Trung Hải, đã coi thăm dò khí đốt là một ưu tiên chiến lược. Cyprus trở thành "tân binh" trong lĩnh vực năng lượng sau khi phát hiện mỏ khí đốt Aphrodite ngoài khơi năm 2011, với trữ lượng ước tính khoảng 125 tỷ mét khối.
Hai tập đoàn Chevron và Shell của Mỹ, cùng NewMed Energy của Israel, đang điều hành mỏ Aphrodite và sẽ sớm khoan thăm dò thêm một giếng nữa. Tập đoàn Chevron cũng sẽ trình kế hoạch phát triển mỏ khí đốt này lên chính quyền Cyprus vào cuối năm nay.
Bộ trưởng Năng lượng Cyprus Natasa Pilides hồi đầu tuần cho biết châu Âu là điểm đến hàng đầu cho nguồn khí đốt chưa được khai thác tại mỏ Aphrodite.
"Châu Âu là khách hàng rất tiềm năng với khí đốt của Cyprus, khi EU xác định khí đốt là nhiên liệu trung gian cho quá trình chuyển đổi xanh đến năm 2049", bà Pilides cho biết. "Do đó, các công ty khí đốt có thể yên tâm ký các hợp đồng dài hạn".
Bộ trưởng Pilides cũng lưu ý rằng mục tiêu giảm phụ thuộc năng lượng Nga của EU chắc chắn sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho các nhà cung cấp khí đốt khác.
Aphrodite không phải mỏ khí đốt duy nhất của Cyprus. Năm 2019, tập đoàn ExxonMobil, Mỹ, hợp tác với công ty năng lượng Qatar Petroleum bắt đầu thăm dò mỏ khí Glaucus tại Lô 2 ở ngoài khơi quốc đảo, với trữ lượng ước tính 142-227 tỷ mét khối.
Tập đoàn năng lượng Eni của Italy và TotalEnergies của Pháp hồi đầu năm cũng khoan thăm dò khí đốt ngoài khơi vùng biển này và phát hiện mỏ Calypso với trữ lượng ngang ngửa Glaucus. Tuy nhiên, Cyprus đã gặp nhiều trở ngại trong tham vọng trở thành trung tâm cung cấp khí đốt lớn của châu Âu.
Quá trình phát triển mỏ Aphrodite đã bị trì hoãn do bất đồng về chia sẻ sản lượng giữa các đối tác với chính phủ Cyprus, theo Reuters. Trong khi đó, tập đoàn Exxon không huy động đủ nguồn lực cho kế hoạch khai thác mỏ Glaucus.
"Thị trường trong nước và cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu của Cyprus còn hạn chế. Lượng khí đốt khai thác được cũng không đủ để ExxonMobil và đối tác Qatar Petroleum cung cấp cho nhà máy hóa lỏng khí, vốn là mục tiêu hợp tác giữa họ với Cyprus", Robert Morris, nhà phân tích cấp cao của công ty dữ liệu toàn cầu Wood Mac, cho biết năm 2020.
Nhiều thứ đã thay đổi kể từ đó. Dù cơ sở hạ tầng của Cyprus còn hạn chế, nhu cầu đối với khí đốt trên thị trường quốc tế đã tăng đột biến, đến mức có thể tái định hình bức tranh kinh tế khí đốt của quốc đảo Địa Trung Hải.
Nhưng Cyprus vẫn đối mặt nhiều thách thức ở phía trước. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia ở phía bắc, không hài lòng khi Cyprus khai thác khí đốt ở các khu vực mà Ankara cho là đang tranh chấp. Tranh chấp lãnh thổ kéo dài với Thổ Nhĩ Kỳ vốn là vấn đề "đau đầu" đối với Cyprus.
Cơ sở hạ tầng để xuất khẩu khí đốt tới châu Âu cũng là một bài toán khó. Công ty Energean của Anh đang có ý định xây dựng một đường ống khí đốt từ các mỏ ngoài khơi Israel đến Cyprus, sau đó kết nối với một tàu LNG để hóa lỏng khí đốt khai thác từ cả hai quốc gia này.
Cyprus sẽ mất thêm vài năm mới có thể bắt đầu khai thác khí đốt từ các mỏ mới phát hiện, theo Irana Slay, bình luận viên kỳ cựu của Oilprice về lĩnh vực năng lượng. Khí đốt từ mỏ Aphrodite dự kiến được bán ra thị trường vào năm 2027, trong khi đường ống của Energean có thể được hoàn thành vào năm 2026. Cho đến lúc đó, châu Âu sẽ phải tìm nguồn cung từ nơi khác để thỏa cơn khát khí đốt của mình.
Đức Trung (Theo Oilprice, Reuters)