Dù "phiến quân John", kẻ cầm dao trong các video chặt đầu của IS có thể không phải là thành viên chủ chốt trong các hoạt động của nhóm cực đoan, hắn là biểu tượng mạnh mẽ nhất của nhóm khủng bố.
Video hành quyết con tin bắt đầu bằng những lời lẽ chế giễu giới chức phương Tây và kết thúc bằng cảnh tượng ghê rợn, khi thi thể đầy máu của nạn nhân nằm dưới đất, chiếc đầu lìa khỏi cổ vùi trong cát bụi Syria. Hắn dường như đóng cả hai vai trò: thẩm phán và đao phủ, "nhấm nháp" từng cái chết của các con tin.
Sau vụ khủng bố 11/9, nhiều người tin rằng những kẻ khủng bố sẽ chuyển sang sử dụng những vũ khí hủy diệt hàng loạt để tấn công các thành phố. Ít ai dự đoán được một người đàn ông cầm dao, sử dụng kỹ thuật hành quyết thời trung cổ và một đội ngũ sản xuất video lại có thể có tác động to lớn với thế giới đến như vậy.
Người đàn ông cao lớn nói giọng Anh Anh, mỉa mai phương Tây trong các video của IS không còn là bí ẩn nữa. Hắn bị vạch trần là Mohammed Emwazi, một thanh niên London thuộc tầng lớp trung lưu và được giáo dục tốt. Emwazi sinh ra tại Kuwait nhưng đã chuyển đến Anh sinh sống từ khi còn bé. Hiện giờ, hắn đã quay lưng với quốc gia mình lớn lên.
Theo AP, danh tính bị tiết lộ có thể khiến phiến quân John không còn đáng sợ như trước. Bức ảnh Emwazi chụp từ thời học đại học đã được lan truyền khắp thế giới. Trong ảnh, anh ta trông hơi ngốc nghếch khi đội một chiếc mũ bóng chày hơi rộng. Các video chặt đầu của IS có thể sẽ khiến ít khán giả phải rùng mình hơn khi họ đã biết kẻ bí ẩn đằng sau mặt nạ là ai. Nếu hắn tiếp tục giết một con tin nữa trước máy quay, yếu tố bí ẩn mà IS cố gắng tạo dựng sẽ mất đi và phản ứng có thể sẽ là "Ồ, lại là hắn".
Ngoài ra, khi chính quyền đã nhận điện được "phiến quân John", y chắc chắn sẽ trở thành mục tiêu của máy bay không người lái, nếu Mỹ hoặc Anh phát hiện chính xác nơi ở của hắn. Áp lực dồn lên Emwazi có thể làm anh ta trở nên ít giá trị hơn đối với IS, thậm chí có thể là gánh nặng với tổ chức.
Magnus Ranstorp, chuyên gia về khủng bố tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển, cho rằng vai trò của Emwazi trong hàng ngũ có thể sẽ suy giảm. Khi anh ta liên lạc bằng điện thoại di động, phương Tây có thể lần dò ra vị trí và điều động máy bay không người lái đến tiêu diệt y và những phần tử cực đoan khác. Ranstorp cho biết việc xác định danh tính Emwazi cũng cung cấp cho công chúng hy vọng rằng hắn sẽ bị đưa ra trước ánh sáng công lý.
"Điều này khá quan trọng với gia đình các nạn nhân", ông nhận định. "Họ biết một người cụ thể đã bị vạch trần và giới chức sẽ tập trung vào anh ta. Phiến quân John sẽ sống nốt phần đời còn lại trong nỗi lo sợ rằng y có thể bị tấn công bằng máy bay không người lái bất cứ lúc nào", Ranstorp nói thêm. "Bây giờ Emwazi đã được mọi người biết đến, y có thể không còn cái uy hăm dọa như trước".
Theo Fox News, khi tên và gương mặt của Enwazi đã được lan truyền trên toàn thế giới, thòng lọng sẽ nhanh chóng siết chặt vào cổ hắn. Y sẽ không thể quay trở về Anh, điều tình báo phương Tây lo ngại về các chiến binh ngoại quốc. Thông tin liên lạc giữa hắn với gia đình hoặc bạn bè chắc chắn sẽ bị theo dõi, các chuyên gia cho biết.
Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ sử dụng tất cả các nguồn lực cần thiết để tìm ra Emwazi. Thượng viện Mỹ hồi tháng 9/2014 treo thưởng 10 triệu USD cho thông tin dẫn đến vị trí "phiến quân John", khi danh tính hắn chưa được tiết lộ. Những thông tin mới được công bố về hắn và phần thưởng lớn sẽ là động lực mạnh mẽ, kích thích các cá nhân giúp chính phủ truy lùng Emwazi, cựu đặc vụ FBI Michael Harkins cho biết.
"Anh ta là một mục tiêu lớn", ông nói. "Nếu bắt được một người như Emwazi, chúng ta sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng, bất kể các người là ai, chúng ta cũng sẽ tìm ra và bắt các người phải chịu trách nhiệm vì đã sát hại công dân Mỹ".
Chia rẽ cộng đồng
Khi các thông tin chi tiết về cuộc sống cá nhân của Emwazi được hé lộ, hắn trở thành vấn đề tranh luận của nghị viện Anh: Y bị cực đoan hóa như thế nào? Tại sao mật vụ không xác định y là một mối hiểm họa và tìm cách giữ chân, ngăn cản y đến Syria?
Emwazi có lẽ là ví dụ điển hình nhất của xu hướng cực đoan đang tăng tốc độ không chỉ ở Anh mà còn ở Pháp, Bỉ, Đan Mạch và các nước Tây Âu khác. Hắn là tiên phong cho phong trào jihad của Anh khi đến Syria từ năm 2013, trước khi IS chiếm đóng lãnh thổ và kêu gọi những kẻ cùng tư tưởng, bao gồm cả các thiếu nữ, gia nhập hàng ngũ tại Syria và Iraq.
Có bằng chứng gián tiếp cho thấy Emwazi từng cố gia nhập nhóm khủng bố al-Shabaab ở Somalia nhưng bị một điệp viên Anh ngăn cản. Điệp viên cố gắng tuyển mộ Emwazi làm người cung cấp tin tức cho mật vụ nhưng không thành công.
Kể từ đó, lời kêu gọi gia nhập phong trào jihad của các phiến quân cực đoan ngày càng mạnh mẽ. Người Anh tuần trước bất lực chứng kiến ba thiếu nữ bỏ nhà ra đi, được cho là đến Syria để trở thành "cô dâu" của các chiến binh IS. Nhóm khủng bố Al-Shabaab cũng tung ra lời đe dọa của riêng mình, cảnh báo rằng các trung tâm mua sắm lớn ở Mỹ, Anh, Canada có thể sẽ trở thành mục tiêu của các vụ khủng bố.
Với những diễn biến này, gần một nửa số người theo đạo hồi ở Anh cho rằng công chúng Anh đang ngày càng ít khoan dung với người Hồi giáo, trong một cuộc thăm dò của BBC được công bố tuần trước. Đồng thời, đảng cánh hữu UKIP đang ngày càng nhận được nhiều người ủng hộ khi phản đối việc nhập cư đang gia tăng ở nước này.
Sự phân cực xã hội đang gia tăng này rõ ràng là một trong những mục tiêu của IS. Nhóm cực đoan cố tình sử dụng giọng London quen thuộc của Emwazi như lời nhắc nhở mạnh mẽ với người Anh rằng kẻ địch của họ không phải một người ở nơi xa xôi nào đó nói tiếng Arab, mà là một chàng trai từng sống ngay trong khu phố của họ.
"Emwazi từng chỉ là một thanh niên Anh tương đối bình thường, việc hắn bị cực đoan hóa như hiện giờ thật đáng lo ngại", John Gearson, giáo sư an ninh quốc gia tại Đại học Hoàng gia London nhận định. Nhưng "việc vén màn bí mật về hắn đã làm giảm hiệu quả công tác tuyên truyền của IS. Anh ta giờ chỉ đơn giản là một tên sát nhân".
Phương Vũ