Trước đó, năm 2017 ba xã An Vĩnh, An Hải, An Bình (ba đơn vị cấp xã cũ của huyện Lý Sơn) nằm trong danh sách đặc biệt khó khăn. Đến năm 2020, Lý Sơn xóa bỏ đơn vị hành chính cấp xã, chỉ còn cấp huyện, không còn nhận các chính sách ưu đãi. Đầu năm trước, Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung huyện Lý Sơn vào danh sách đặc biệt khó khăn.
Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Phạm Thị Hương nói ngành du lịch đã phát triển nhưng đảo còn nhiều khó khăn, như: nước ngọt khan hiếm; hàng hóa, lương thực đều phải chuyển từ đất liền ra; khi chuyển tuyến để khám chữa bệnh phải đi bằng tàu thủy; hạ tầng nông thôn chưa được đầu tư đầy đủ...
Khi trở thành vùng đặc biệt khó khăn, địa phương được hưởng nhiều chính sách ưu đãi; cán bộ, công chức, giáo viên thêm phụ cấp; học sinh được cộng điểm khi thi, xét tuyển. Huyện đảo cũng được ưu tiên đầu tư về hạ tầng, giao thông...
Cách đất liền 15 hải lý, khoảng 30-45 phút đi tàu cao tốc, nhiều năm qua, Lý Sơn nổi tiếng với những thắng cảnh như chùa Đục, hang Câu, những bãi tắm xanh trong, văn hóa bản địa độc đáo. Tuy nhiên, hơn hai năm qua Covid-19 làm đời sống của người dân trên đảo khó khăn vì du lịch lao dốc. Đảo hiện có hơn 22.000 người dân.
Hiện, cả nước có 54 xã vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo đặc biệt khó khăn, thuộc 12 tỉnh.