Trước khi có quyết định trên vào tháng 12 năm ngoái, Magnachip không có hoạt động nào liên quan đến sản xuất, nghiên cứu và phát triển hoặc bán hàng ở Mỹ, trừ việc niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York và có văn phòng đại diện ở Delaware. Thế nhưng, điều đó không thể ngăn Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) can thiệp vào vụ sáp nhập.
"CFIUS có truyền thống can thiệp các vấn đề an ninh mang tính cơ bản như bến cảng hay cơ sở hạ tầng, nhưng khá bất ngờ khi họ tham gia ngăn chặn việc tiếp quản một công ty tương đối nhỏ như Magnachip", phó giáo sư Chris Miller tại Đại học Tufts nhận xét. "Tôi cho đây là tín hiệu thực sự quan trọng trong toàn bộ ngành bán dẫn".
Magnachip được xem là ví dụ cho thấy căng thẳng Mỹ - Trung đang ảnh hưởng đến các nhà sản xuất chip thế nào. Họ dường như ngày càng bị ép buộc phải liên kết với Mỹ khi nước này tìm cách chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc công nghệ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đầu tháng 8 ký ban hành luật CHIPS & Science Act trị giá 280 tỷ USD, trong đó có gói 52,7 tỷ USD cho sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn. Các công ty trên toàn cầu cũng đang cố gắng chuyển một số nhà máy của mình về Mỹ, đồng thời cân nhắc các quyết định đầu tư tại Trung Quốc.
Đầu tháng này, hai công ty Hàn Quốc là Samsung Electronics và SK Hynix được cho là đang đánh giá các khoản đầu tư của họ vào Trung Quốc. Một trong những nguyên nhân là để đáp ứng các yêu cầu của Mỹ trong CHIPS & Science Act. Theo luật, các công ty muốn nhận tài trợ của nước này phải cam kết không được mở rộng sản xuất chip ở Trung Quốc.
Hàng loạt hãng lớn khác như TSMC của Đài Loan hay Intel và Micron của Mỹ có hoạt động sản xuất tại Trung Quốc cũng đang chịu áp lực tương tự. Theo giới chuyên gia, áp lực sẽ tiếp tục gia tăng thời gian tới nếu Liên minh chip Fab4 hình thành. Đây là tổ chức tập hợp các đồng minh của Mỹ gồm Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản, ra đời với mục đích phối hợp vấn đề chính sách về nghiên cứu và phát triển, trợ cấp và chuỗi cung ứng bán dẫn trong tương lai.
Về mặt lịch sử, các nhà sản xuất chip Hàn Quốc đóng vai trò là tác nhân hỗ trợ cho định hướng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Họ cũng không muốn đứng về phía nào trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian qua. Samsung và SK Hynix đã tăng cường đầu tư vào cơ sở sản xuất của Mỹ, bên cạnh việc tham gia mua bán tại thị trường Trung Quốc. Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, nước này đã xuất khẩu lượng chip trị giá 50 tỷ USD sang Trung Quốc năm ngoái, tăng 26% so với năm 2020.
Nhưng cũng tương tự các doanh nghiệp bán dẫn khác trên toàn cầu, các công ty Hàn Quốc vẫn phải phụ thuộc vào công nghệ Mỹ, nhất là công nghệ sản xuất chip tiên tiến. Theo Miller, đây chính là "điểm nghẽn trong quy trình sản xuất chất bán dẫn".
"Trung Quốc có thị trường, nhưng Mỹ có công nghệ. Không có công nghệ, bạn không có sản phẩm. Còn nếu không có thị trường, ít nhất bạn có thể tìm ra cách để đa dạng hóa và tìm kiếm lựa chọn thay thế", Yeo Han-koo, cựu Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc, nhận xét.
Samsung Electronics và SK Hynix là hai công ty chuyên về chip nhớ nhưng đều không sản xuất chip bán dẫn tiên tiến nhất của họ ở Trung Quốc. Trong khi đó, SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, cũng tuyên bố xuất xưởng chip 7 nm tiên tiến nhất. Theo các nhà phân tích, nếu không được tiếp cận với các công nghệ Mỹ, SMIC sẽ vẫn phải vật lộn để thu hẹp khoảng cách với Samsung và TSMC vốn đã có các sản phẩm 4 nm và 3 nm.
Một nhân vật cấp cao giấu tên của hãng TSMC cho biết, luật mới của Mỹ có thể sẽ không tác động mạnh đến công ty do trước đây họ đã trải qua những hạn chế trong việc sản xuất chip tiên tiến ở Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Dylan Patel, nhà phân tích tại SemiAnalysis, CHIPS & Science Act - với mục tiêu đề phòng việc nâng cấp hoặc mở rộng các hoạt động sản xuất chip dùng công nghệ Mỹ ở Trung Quốc - vẫn sẽ có tác động nhất định. "Những công ty như SK Hynix và Samsung chỉ có thể duy trì hoạt động cung ứng và đầu tư hiện có. Do đó, tỷ trọng sản xuất của họ ở Trung Quốc có thể giảm đáng kể theo thời gian", ông nhận định.
Theo David Hanke, chuyên gia tư vấn tại công ty luật ArentFox Schiff ở Washington, các nhà sản xuất chip sẽ khôn ngoan hơn khi chú ý đến tinh thần của CHIPS & Science Act chứ không chỉ là văn bản của chính luật đưa ra. Ông cho rằng những công ty này sẽ cố gắng kéo dài thời gian để chờ đợi các động thái mới của chính phủ Mỹ, ít nhất là sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra tháng 11.
Bảo Lâm (theo FT)