Nhà đầu tư lo lắng theo dõi giá chứng khoán. |
Liều thuốc mà ông Bush đưa ra trong bài phát biểu tại phố Wall hôm 9/7 không làm vết thương của các nhà đầu tư bớt nhức nhối. Lãnh đạo đảng Dân chủ trong Hạ viện Richard Gephardt nói: “Biện pháp của chính quyền không có gì thay đổi. Họ luôn dùng những lời lẽ đao to búa lớn để lên án những người có hành vi sai trái trong khi lại trì hoãn cải cách”.
"Người dân muốn được khẳng định rằng, một số thành viên hội đồng quản trị của Enron, Worldcom... sẽ phải vào tù. Nhưng trong bài phát biểu, ông Bush chủ yếu kêu gọi trách nhiệm, đạo đức của các tập đoàn", Todd Clark, Giám đốc kinh doanh Công ty chứng khoán Wells Fargo chán nản nhận xét.
Robert Monks, một tay kinh doanh kỳ cựu cũng phàn nàn: "Bush không hiểu hậu quả của tình trạng ồ ạt rút vốn đang xảy ra, do vậy ông ta có thể làm được gì? Bỏ tù các quan chức phạm tội là điều hiển nhiên, ai cũng biết điều đó".
Kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất của báo chí Mỹ cho thấy, niềm tin của công chúng vào các chủ tịch tập đoàn, giám đốc điều hành, phố Wall và các chuyên gia kế toán sụt giảm nghiêm trọng. Trong số 650 nhà đầu tư tham gia, 72% cho rằng các chuyên viên môi giới chỉ hành động vì lợi ích bản thân hơn là khách hàng; 72% phàn nàn các công ty kiểm toán thường giấu nhẹm thông tin có hại với đối tác và 77% cho rằng, hối lộ, gian dối của lãnh đạo các tập đoàn ngày càng nhiều và được dung túng.
Các nhà quan sát cho rằng, là một tổng thống có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh và nhiều năm kinh nghiệm trên thương trường, lẽ ra ông Bush phải có nhiều ý tưởng của riêng mình chứ không phải sao lại bài phát biểu hồi tháng 3. Hơn nữa, nhiều biện pháp mạnh tay trong tuyên bố của ông Bush đều được Quốc hội, Ủy ban Chứng khoán Mỹ và Ủy ban chứng khoán New York đề xuất.
Đằng sau các vụ đổ bể
Theo Nancy Smith, Giám đốc RestoreTheTrust, đổ vỡ của nhiều tập đoàn lớn trong thời gian vừa qua cho thấy để ních đầy túi tham, sự gian trá đã được dựng lên vô tội vạ. Hầu như tất cả các vụ bê bối đều dính tới gian lận tài chính, dù cách thức tiến hành có khác nhau. Enron công bố lỗ 618 triệu USD trong quý III/2001 nhưng thực tế lên tới 1,2 tỷ USD. Tập đoàn năng lượng này lợi dụng hệ thống thông tin đại chúng để đánh bóng hình ảnh của mình trước các nhà đầu tư. WorldCom lại gian lận bằng cách chia nhỏ khoản lỗ vào các dự án đầu tư để tránh phải quyết toán một lần. Nhờ vậy lợi nhuận của tập đoàn được thổi phồng lớn gấp nhiều lần so với thực tế...
Rõ ràng vấn đề gian lận đang nổi cộm ở một đất nước được coi là luôn đảm bảo về mức độ minh bạch trong kinh doanh. Với những cái đầu thông minh, các ông lớn có thể nghĩ ra nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm nâng giá cổ phiếu để từ đó kiếm chác riêng như trường hợp các thành viên hội đồng quản trị Xerox bỏ túi 35 triệu USD, hoặc vay gần 400 triệu USD tiền công với lãi suất thấp như Cựu chủ tịch WorldCom bernie Ebbers để đánh quả. Báo chí Mỹ cũng đang làm ầm ĩ vụ tổng thống Bush từng bán tống cổ phiếu của mình khi còn làm giám đốc Harken sau khi ông Bush nhận được thông tin mật... công ty lỗ 23 triệu USD.
Một thực tế mà dân chúng Mỹ đang đặt dấu hỏi là việc trả lương quá cao cho các chủ tịch, giám đốc điều hành tập đoàn.... Chẳng hạn, lương của cựu giám đốc tài chính WorldCom Scott Sullivan là 700.000 USD/năm và 10 triệu USD tiền thưởng nếu ông ta làm việc đến tháng 9/2002. Cách biệt thu nhập trung bình giữa các nhà quản trị và công nhân Mỹ đã lên tới hơn 400 lần so với 80 lần vào những năm 1980.
Ngoài ra, xu hướng sáp nhập diễn ra mạnh mẽ (năm 2000 toàn thế giới đạt 3,46 nghìn tỷ USD) đã dẫn tới tình trạng cá lớn nuốt cá bé. Mục đích của các vụ làm ăn kiểu này là triệt tiêu cạnh tranh, giảm chi phí hoạt động và tăng lợi nhuận. Do không bị kiểm soát, các ông chủ tư bản mặc sức thao túng gian trá, qua mặt cả các công ty kiểm toán, lừa gạt cổ đông và các nhà đầu tư để kiếm lời tối đa. Đến khi sự việc đổ vỡ, nhiều ông trùm vẫn an toàn chỉ có người lao động phải chịu cay đắng.
Đáng chú ý là quan hệ dây mơ dễ má giữa giới doanh nghiệp và chính quyền Mỹ. Đơn cử trường hợp Nhà Trắng đã thừa nhận những liên hệ chặt chẽ giữa Tổng giám đốc điều hành Kenneth Lay với nhiều thành viên nội các của Tổng thống Bush. Riêng Enron đã góp 500.000 USD cho các hoạt động chính trị của Bush từ khi ông ta bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử chức thống đốc bang Texas. Công chúng Mỹ đang tự hỏi liệu có tồn tại tính minh bạch trong kinh doanh khi nhiều quan chức chính quyền luôn hậu thuẫn cho hoạt động mờ ám của các tập đoàn?
Phong Lan tổng hợp