-
Một phóng viên của AFP cho biết ít nhất 5 xe tải đỗ bên ngoài khuôn viên tòa thị chính Yangon, các binh sĩ yêu cầu mọi người trở về nhà khi họ tới đây làm việc.
-
Quân đội Myanmar nêu lý do bắt Aung San Suu Kyi
Quân đội Myanmar cho biết họ tiến hành bắt giam Cố vấn Nhà nước Suu Kyi cùng các quan chức cấp cao chính phủ nhằm đối phó "gian lận bầu cử". Kênh truyền hình quân đội Myanmar cũng phát một video thông báo quyền lực tại nước này đã chuyển giao cho Thống tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.
-
Mỹ cảnh báo quân đội Myanmar
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho hay Mỹ đã cảnh báo Myanmar sau khi nhận được thông tin quân đội nước này bắt bà Aung San Suu Kyi.
"Mỹ phản đối bất cứ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả cuộc bầu cử gần đây hay cản trở quá trình chuyển giao dân chủ của Myanmar, và sẽ có hành động chống lại những người chịu trách nhiệm nếu những động thái này không được đảo ngược", bà Psaki nói. Bà cho hay Tổng thống Biden đã được thông báo về tình hình.
-
Quân đội Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp
Quân đội Myanmar hôm nay tuyên bố áp tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm, song phát ngôn viên lực lượng này chưa nêu chi tiết các biện pháp thực thi.
Kênh truyền hình quân đội Myawaddy TV đưa ra thông báo về tình trạng khẩn cấp, dẫn một điều khoản trong hiến pháp do quân đội nước này soạn thảo, trong đó cho phép lực lượng vũ trang nắm quyền kiểm soát trong thời kỳ khẩn cấp quốc gia.
Người dẫn chương trình của kênh truyền hình này cho biết đây là động thái cần thiết nhằm duy trì "sự ổn định" của đất nước, cáo buộc chính phủ không hành động để giải quyết tuyên bố về "gian lận bầu cử" trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11 năm ngoái cũng như việc chính quyền không hoãn bầu cử vì Covid-19.
-
Nhật khuyến cáo công dân sống tại Myanmar
Một quan chức Bộ ngoại giao Nhật Bản cho biết nước này chưa lên kế hoạch hồi hương công dân tại Myanmar sau khi cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi bị quân đội bắt. Quan chức này cho biết khoảng 3.500 công dân Nhật Bản đang sinh sống ở Myanmar. Trước đó, Nhật Bản khuyến cáo công dân hủy các chuyến đi tới Myanmar do Covid-19.
Đại sứ quán Nhật Bản tại Myanmar trong thông cáo cho biết tình hình nước sở tại "dường như không liên quan đến dân thường", song cảnh báo công dân "nên thận trọng". "Chúng tôi khuyến khích mọi người ở nhà và hạn chế ra ngoài, trừ khi thực sự cần thiết", thông cáo cho biết.
-
Quân đội Myanmar không loại trừ đảo chính từ tuần trước
Trước khi bắt bà Suu Kyi và các quan chức chính phủ hôm nay, quân đội Myanmar cuối tuần qua đã triển khai nhiều xe tăng trên các đường phố, trong khi một số cuộc tuần hành ủng hộ quân đội được tổ chức ở nhiều địa phương, khi quốc hội mới được bầu chuẩn bị họp phiên đầu tiên.
Quân đội Myanmar trước đó tuyên bố sẽ "có hành động" đối với kết quả bầu cử, và khi được hỏi họ có lên kế hoạch đảo chính hay không, phát ngôn viên lực lượng này nói "không loại trừ" phương án trên.
Người này tuyên bố quân đội sẽ bảo vệ và tuân theo hiến pháp đất nước cũng như hành động dựa trên luật pháp. Lực lượng này cũng khẳng định những phát biểu gần đây của Thống tướng Min Aung Hlaing về bãi bỏ hiến pháp đã bị truyền thông và một số tổ chức hiểu sai.
-
Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi quân đội Myanmar thả Cố vấn Nhà nước
"Chúng tôi kêu gọi các lãnh đạo quân đội Myanmar phóng thích toàn bộ quan chức chính phủ và lãnh đạo xã hội dân sự, tôn trọng ý nguyện của người dân được thể hiện qua cuộc bầu cử dân chủ hôm 8/11", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong tuyên bố hôm nay.
Tân Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ "nỗi quan ngại sâu sắc" về thông tin quân đội Myanmar bắt Cố vấn Nhà nước Suu Kyi cùng các quan chức khác của nước này.
"Mỹ sát cánh cùng người dân Myanmar trong khát vọng của họ về dân chủ, tự do, hòa bình và phát triển. Quân đội Myanmar phải đảo ngược những hành động này ngay lập tức", tuyên bố có đoạn.
Trước đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho hay Mỹ đã cảnh báo Myanmar về hậu quả của những hành động "nhằm thay đổi kết quả cuộc bầu cử gần đây hay cản trở quá trình chuyển giao dân chủ của Myanmar", khẳng định Washington sẽ có hành động chống lại những người chịu trách nhiệm nếu những động thái này không được đảo ngược.
-
Đường phố Myanmar vắng lặng, người dân đổ xô đi rút tiền
"Đường phố thủ đô Yangon buổi sáng thứ hai đầu tuần thường rất đông đúc, nhưng giờ rất vắng lặng vì nhiều người sợ ra ngoài. Tuy nhiên, vẫn nhiều người đến cây ATM rút tiền", phóng viên May Wong của CNA cho hay.
-
Liên Hợp Quốc lên án quân đội Myanmar
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lên án việc quân đội Myanmar bắt các lãnh đạo cấp cao trong chính phủ, bao gồm Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi. Ông Guterres kêu gọi quân đội "tôn trọng ý chí của người dân Myanmar" và "giải quyết khác biệt thông qua đối thoại hòa bình", theo phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc.
"Những động thái này đã giáng một đòn nghiêm trọng vào quá trình cải cách dân chủ. Tất cả các lãnh đạo phải hành động vì lợi ích to lớn của cải cách dân chủ Myanmar, tham gia vào các cuộc đối thoại có ý nghĩa, kiềm chế bạo lực và hoàn toàn tôn trọng quyền con người cũng như các quyền tự do cơ bản", người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric nói.
-
Singapore quan ngại tình hình tình hình Myanmar
Singapore bày tỏ quan ngại "nghiêm trọng" về tình hình đang diễn ra ở Myanmar và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, hướng tới kết quả hòa bình.
"Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình và hy vọng tất cả các bên liên quan sẽ kiềm chế, duy trì đối thoại, hướng tới một kết quả tích cực và hòa bình", Bộ Ngoại giao Singapore ra tuyên bố hôm nay.