Sau khi quân đội Niger bất ngờ đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum và thành lập chính quyền quân sự, Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) nhanh chóng đưa ra tối hậu thư. Họ yêu cầu các lãnh đạo quân đội Niger khôi phục quyền lực cho ông Bazoum trong vòng một tuần, nếu không sẽ thực hiện "mọi biện pháp cần thiết", kể cả can thiệp bằng vũ lực.
Khối cũng áp trừng phạt với Niger, đình chỉ mọi giao dịch giữa họ với nước thành viên ECOWAS và đóng băng tất cả tài sản của Niger trong các ngân hàng trung ương ở khu vực.
Tuyên bố cứng rắn được ECOWAS đưa ra sau khi tổ chức này bị chỉ trích hành động không đủ quyết liệt với hai cuộc đảo chính ở Burkina Faso và Mali trong ba năm qua, đưa quân đội lên nắm quyền ở hai quốc gia thành viên của khối. ECOWAS đã đình chỉ tư cách thành viên của Burkina Faso và Mali, nhưng không có hành động nào thêm.
Nhưng tối hậu thư của ECOWAS vấp phải phản ứng gay gắt của Burkina Faso và Mali. Chính phủ hai nước ngày 31/7 ra tuyên bố chung rằng bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào vào Niger cũng đồng nghĩa tuyên chiến với hai nước này. Họ cảnh báo "những hậu quả thảm khốc từ động thái đó có thể khiến toàn bộ khu vực bất ổn".
Burkina Faso và Mali cũng cho biết họ từ chối tuân thủ các biện pháp trừng phạt "bất hợp pháp và vô nhân đạo" đối với người dân và chính quyền quân sự ở Niger.
Khả năng ECOWAS triển khai lực lượng quân sự can thiệp vào Niger là không cao, song nếu kịch bản này xảy ra và phe đảo chính, với sự hậu thuẫn của Burkina Faso và Mali, chọn đối đầu, chiến tranh quy mô lớn sẽ nổ ra ở vùng Sahel, dải đất nằm giữa sa mạc Sahara ở phía bắc và khu vực thảo nguyên ở phía nam châu Phi.
"Đó sẽ là thảm họa với dân thường trong khu vực", Rida Lyammouri, thành viên cấp cao tại Trung tâm Chính sách về Nam Bán cầu mới ở Morocco, nhận định.
Giới quan sát cho rằng không có gì ngạc nhiên khi Burkina Faso và Mali ủng hộ cuộc đảo chính ở Mali, bởi quân đội ba nước đều đưa ra lý do giống nhau là "thay đổi chính quyền yếu kém" để lên nắm quyền.
Vào tháng 8/2020, đại tá Assmi Goita lãnh đạo quân đội Mali đảo chính lật đổ tổng thống Ibrahim Boubacar Keita. Tổng thống Bah Ndaw và Thủ tướng Moctar Ouane được bổ nhiệm để dẫn dắt chính phủ lâm thời Mali từ tháng 9/2020, với mục tiêu khôi phục hoàn toàn chính quyền dân sự trong vòng 18 tháng sau cuộc đảo chính.
Tuy nhiên, 9 tháng sau, đại tá Goita tiếp tục đảo chính lần hai và lần này ông tự giữ chức phó tổng thống trong chính phủ lâm thời. Goita cáo buộc Ndaw và Ouane không tham vấn ý kiến của ông về chương trình cải tổ đất nước.
Chính quyền quân sự của ông Goita sau đó trì hoãn trưng cầu dân ý về hiến pháp Mali, trong đó bỏ phiếu về cắt giảm quyền lực đáng kể của quốc hội, đến năm 2024. Điều này giúp củng cố quyền lực của ông Goita thêm một năm.
Burkina Faso cũng đối mặt với những bất ổn nội bộ và cuộc đảo chính lật đổ tổng thống Roch Marc Christian Kabore vào tháng 1/2022. Lực lượng lật đổ tự xưng là "Phong trào Yêu nước nhằm Bảo vệ và Khôi phục" (MPSR), do trung tá Paul-Henri Sandaogo Damiba lãnh đạo, cáo buộc Tổng thống Burkina Faso gây ra tình trạng bạo lực với phiến quân Hồi giáo và hứa thúc đẩy quá trình chuyển tiếp về trật tự hiến pháp.
Tuy nhiên, vài tháng sau, đại úy Ibrahim Traore đảo chính lật đổ trung tá Damiba và trở thành lãnh đạo chính quyền quân sự ở Burkina Faso.
Cả ba quốc gia, Mali, Burkina Faso và Niger, đã và đang chiến đấu với các nhóm nổi dậy Hồi giáo cực đoan mà lực lượng của Pháp và Mỹ chưa thể tiêu diệt. Các nhóm nổi dậy đã gây áp lực nghiêm trọng với chính phủ ba nước, khiến quân đội tức giận và giáng đòn kinh tế vào những quốc gia nghèo nhất thế giới.
Đảo chính lật đổ tổng thống dân cử tại ba nước này thường đi kèm các cuộc biểu tình chống Pháp, quốc gia từng đô hộ nhiều nước thuộc địa ở châu Phi. Những người biểu tình nói rằng Pháp, đồng minh lâu năm của Niger, đã thất bại trong nỗ lực chống các nhóm nổi dậy Hồi giáo.
Tại Mali, cuộc đảo chính năm 2020 đã dẫn tới đổ vỡ quan hệ với Pháp. Năm 2022, chính quyền quân sự Mali ký hợp đồng đảm bảo an ninh với tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của Nga và gây sức ép buộc Pháp rút quân khỏi nước này. Lực lượng Pháp cũng rời Burkina Faso sau hai cuộc đảo chính liên tiếp.
Pháp sau đó tập trung nỗ lực chống các nhóm Hồi giáo ở Niger, nơi họ triển khai 1.500 binh sĩ tới căn cứ không quân lớn gần thủ đô Niamey. Tổng thống Bazoum ủng hộ động thái này, song giới lãnh đạo quân sự Niger phản đối, lên án nỗ lực gia tăng hiện diện quân sự nước ngoài ở Niger.
Giới quan sát cho rằng Mali và Burkina Faso đã quay lưng với Pháp và không muốn thấy quân đội nước này tiếp tục hiện diện trong khu vực, cũng như việc nước ngoài can thiệp quân sự vào Niger.
Ngoài Mali và Burkina Faso, một quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi đảo chính là Guinea cũng lên tiếng ủng hộ chính quyền quân sự Niger và kêu gọi ECOWAS hành động "tỉnh táo".
Sự ủng hộ của họ với Niger cũng làm phức tạp thêm phản ứng của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, nó cũng chứng minh báo cáo mà Liên Hợp Quốc đưa ra tháng trước sau khi khảo sát hàng nghìn công dân các nước châu Phi gần đây về đảo chính.
"Một kịch bản có thể xảy ra là chính quyền quân sự ở Mali, Guinea và Burkina Faso hợp tác để thách thức phản ứng của khu vực với các cuộc đảo chính", theo báo cáo của LHQ.
Báo cáo chỉ ra rằng người dân trong vùng Sahel cũng có xu hướng ủng hộ các cuộc đảo chính quân sự gần đây ở châu Phi. Đây là "dấu hiệu của làn sóng khát vọng dân chủ mới đang mở rộng trên khắp lục địa", khi dân số trẻ ngày càng thất vọng với hệ thống chính trị và kinh tế hiện tại.
Nhiều người chỉ muốn cảm thấy an toàn giữa lúc các nhóm Hồi giáo cực đoan mở rộng phạm vi hoạt động ở vùng Sahel.
"Tôi nghĩ một cường quốc quân sự như Niger sẽ phối hợp tốt hơn với Mali và Burkina Faso để chống khủng bố", Harber Cisse, công dân Mali sống ở Guinea, nói. Anh tin rằng tổng thống được bầu của Niger, Mohamed Bazoum, đã "nhắm mắt làm ngơ" và cho phép những kẻ cực đoan vượt biên vào Mali.
Nhiều người khác tin rằng quân đội nên nắm quyền khi chính phủ dân sự không còn đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ của mình. "Những phát hiện này nhấn mạnh nguy cơ kỷ nguyên quân đội can dự vào chính trị ở châu Phi quay trở lại", nghiên cứu của LHQ chỉ ra.
Một số phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với các cuộc đảo chính cũng làm dấy thêm phẫn nộ ở các nước châu Phi. Trong một số kịch bản, những hanfhd động can thiệp này đã làm tăng nguy cơ đảo chính, theo LHQ.
Trong cuộc phỏng vấn hôm qua, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho rằng phương Tây phải nỗ lực để nền dân chủ thắng thế tại Niger, "nhưng cần loại trừ bất kỳ ý tưởng can thiệp quân sự nào, vì nó sẽ bị coi là hình thức thực dân kiểu mới".
Đối với các lãnh đạo ECOWAS, đảo chính ở Niger là đòn giáng mạnh vào nỗ lực củng cố nền dân chủ trong khu vực. Niger là một trong số ít các nền dân chủ còn sót lại ở vùng Sahel, nhưng bây giờ quân đội đã nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Ngoài ra, giới quan sát lo ngại Niger, giống như Burkina Faso hay Mali, đều quay lưng với phương Tây trong nỗ lực chống nhóm nổi dậy Hồi giáo, khiến an ninh khu vực thêm bất ổn.
Nếu lực lượng phương Tây và LHQ được yêu cầu rời Niger, như ở Mali và Burkina Faso, đó sẽ là đòn giáng mạng vào cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo. Những nhóm này nhiều khả năng sẽ "chớp thời cơ" để thực hiện các vụ tấn công, khủng bố, gây thêm đau thương cho dân thường và bất ổn cho khu vực.
"Ngay cả khi ECOWAS không sử dụng biện pháp quân sự mà tìm cách đàm phán giải pháp hòa bình ở Niger, sự ổn định của khu vực vẫn trở nên mong manh hơn trước đây", Yusuf Akinpelu, nhà phân tích của BBC, nhận định.
Thanh Tâm (Theo FP, AP, BBC, Al Jazeera)