Theo quy định tại Dự thảo Luật, thuế từ chênh lệch giá mua, bán bất động sản là 25%. Trong trường hợp cả cơ quan thuế và người sở hữu bất động sản không xác định được thu nhập từ chuyển nhượng, sẽ áp 2% trên giá bán. Ví dụ, một người mua căn hộ với giá 500 triệu đồng, sau đó bán lại với giá 700 triệu đồng. Nếu tính thuế dựa trên chênh lệch thu nhập khi bán và khi mua thì người này phải nộp (700 -500) triệu x 25% = 50 triệu đồng. Trường hợp không xác định được giá mua ban đầu, cơ quan thuế sẽ tính 2% trên giá bán, số tiền phải nộp chỉ là 700 triệu x 2% = 14 triệu đồng.
Bà Đỗ Thị Thìn, Trưởng phòng thuế thu nhập cá nhân Tổng cục Thuế cho rằng so với quy định hiện hành, dự thảo luật "thoáng" hơn cho người dân khi áp dụng tỷ lệ 2% cho tất cả các loại chuyển nhượng. Hiện nay, khi chuyển nhượng bất động sản, người dân nộp thuế theo Luật Thuế chuyển quyền sử dụng đất, trong trường hợp đất nông thôn mức thuế áp dụng là 2%, còn đất đô thị là 4%.
Cũng theo dự thảo luật Thuế thu nhập, thu nhập từ chuyển nhượng, chuyển đổi bất động sản đã sở hữu trên 10 năm không phải chịu thuế. Theo lý giải của Bộ Tài chính, trong thực tế việc chuyển nhượng bất động sản của cá nhân đã có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng bất động sản trên 10 năm thường ít mang tính chất kinh doanh mà chủ yếu là chuyển đổi chỗ ở.
Bán ngôi nhà như thế này số thuế có thể lên tới gần 1 tỷ đồng. Ảnh: H.H. |
Muôn kiểu lách thuế
Hiện nay, sau khi mua bán bất động sản hai bên sẽ cùng làm hợp đồng công chứng, sau đó người mua phải nộp thuế trước bạ, người bán phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất. Khi họ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, Nhà nước mới cấp cho họ sổ đỏ.
Theo ông Võ Đình Quốc, Giám đốc siêu thị ACB, áp thuế 25% chênh lệch giữa giá mua và bán như dự thảo khiến giá nhà đất trên thị trường minh bạch hơn. Cụ thể, người mua sẽ yêu cầu người bán phải ghi đúng giá trị nhà. Nếu bên bán ghi giá nhà thấp hơn hợp đồng, người chủ mới sẽ phải nộp thuế nhiều hơn khi anh ta bán ngôi nhà đó. Chẳng hạn, ngôi nhà trị giá 400 triệu đồng, nếu người mua ghi giá thấp là 300 triệu, anh ta sẽ giảm được thuế cho số tiền 100 triệu đồng chênh lệch, nhưng về sau chủ nhà mới có nhu cầu bán căn hộ đi, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào hợp đồng áp giá anh ta mua là 300 triệu để tính thuế.
Tuy nhiên, ông Quốc cũng tỏ ra lo ngại không ghi được giá trị thấp, do phải đóng nhiều nên người bán sẽ phải cộng thêm cả tiền thuế vào giá, bất động sản sẽ đội lên vài chục triệu đồng, ảnh hưởng tới sức mua.
Giám đốc một công ty kinh doanh nhà đất lại khuyến cáo các nhà làm luật cần chú ý đến thực tế ở VN, hệ thống theo dõi giá cả bất động sản chưa có, hơn nữa đây là mặt hàng biến động giá thường xuyên nên người dân sẽ tìm cách tính thuế nào có lợi cho mình nhất. Ông minh họa trường hợp mua bán căn hộ trên, khi xác định được giá gốc là 500 triệu đồng, số thuế phải nộp lên tới 50 triệu, trong khi không xác định được giá gốc họ chỉ phải nộp 14 triệu đồng. "Hệ thống theo dõi không tốt, rất có thể một số người sẽ tìm mọi cách giấu giá mua ban đầu để được tính thuế theo cách thứ hai, có lợi hơn, người nào phải nộp theo cách thứ nhất lại thấy mất công bằng", ông nói.
Vị giám đốc này còn dự đoán trước thời gian Luật Thuế thu nhập có hiệu lực sẽ xuất hiện làn sóng bán nhà chạy thuế nhằm tránh phải đóng quá nhiều.
Một cách trốn thuế khác là người mua, người bán có thể biến tướng hợp đồng chuyển nhượng thành hợp đồng ủy quyền sử dụng quản lý nhà đất. Ông Quốc cho hay 2 năm trước khi Bộ Tài chính dự định đưa cách đánh thuế như trên vào Pháp lệnh thuế thu nhập cao (sửa đổi), tại siêu thị nhà đất ACB nhiều người mua bán nhưng lại làm hợp đồng cho tặng thừa kế để không phải nộp thuế.
Thu nhập chịu thuế |
Thuế suất |
Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng, chuyển đổi bất động sản. | 25% |
Thu nhập từ thừa kế, quà tặng vượt trên 10 triệu đồng/lần phát sinh thu nhập | 10% |
Phong Lan