Câu hỏi này được tranh luận trên cả nghị trường, trong ngành thuế cũng như dư luận, khi dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi được trình Quốc hội. Chiếc điều hòa, khá bất ngờ với tôi, trở thành một trong những vấn đề được quan tâm của dự thảo luật thuế này, bên cạnh chuyện đánh thuế đối với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml hay chuyện tăng thuế suất theo lộ trình với bia và rượu.
Để trả lời câu hỏi trên, cần quay lại xem xét mục tiêu của việc áp dụng thuế TTĐB.
Nhiều chuyên gia nhận định thuế TTĐB có mục đích điều tiết tiêu dùng của xã hội, góp phần định hướng sản xuất, tái phân phối thu nhập (tức là người có thu nhập cao sẽ phải đóng thuế nhiều hơn) và góp phần bảo vệ môi trường.
Những nhận định này rất đúng và chính xác. Thuế TTĐB để giải quyết những bài toán sau:
Thứ nhất, đây là công cụ để tăng nguồn thu Ngân sách Nhà nước, phục vụ các hoạt động, dịch vụ công. Tuy nhiên, khác với thuế Giá trị gia tăng (GTGT) - là công cụ thuế chủ lực của nguồn thu ngân sách - mục tiêu chính của thuế TTĐB không phải là tạo ra nguồn thu mà nhằm điều tiết hành vi tiêu dùng, do thuế này trực tiếp làm tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ đến tay người tiêu dùng. Hàng hóa, dịch vụ nào Nhà nước muốn quản lý mức độ tiêu dùng thì sẽ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Bên cạnh đó, thuế TTĐB trực tiếp làm tăng giá bán hàng hóa dịch vụ, do đó về nguyên tắc, hàng hóa dịch vụ nào có giá không co giãn, tức là dù giá có thay đổi tăng bao nhiêu thì nhu cầu, thói quen tiêu dùng cũng không thay đổi, cũng là đối tượng thích hợp chịu loại thuế này. Có thể thấy một số mặt hàng cho dù áp thuế TTĐB nhưng mức tiêu thụ tại Việt Nam vẫn rất cao như rượu, bia, thuốc lá.
Mục tiêu thứ hai của thuế TTĐB là tái phân phối thu nhập. Tức là thuế này nhắm đến những mặt hàng, dịch vụ xa xỉ khi mà chỉ một bộ phận người dân có khả năng tài chính mới sử dụng, và sẽ phải chịu gánh nặng thuế này. Nói cách khác, người có thu nhập cao phải nộp thuế nhiều hơn trong trường hợp lựa chọn mua hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, như du thuyền, kinh doanh casino, golf.
Mục tiêu thứ ba của thuế TTĐB, có thể coi là mục đích chính, là giải quyết các vấn đề xã hội bằng công cụ thuế, có thể bao gồm: vấn đề về sức khỏe, an sinh xã hội do việc tiêu thụ, tiêu dùng quá mức các hàng hóa như rượu bia, thuốc lá, trò chơi điện tử có thưởng, casino hay các dịch vụ như massage, karaoke, vũ trường; vấn đề về ô nhiễm môi trường do sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch, các chất thải rắn khó phân hủy; vấn đề về sự xuống cấp các công trình giao thông công cộng, tắc nghẽn giao thông đường bộ do lượng lớn phương tiện tham gia giao thông.
Quay lại chiếc điều hòa, liệu điều hòa nhiệt độ có công suất từ 90.000 BTU trở xuống có phù hợp với bất kỳ mục tiêu nào được tóm tắt trên không?
Theo lý giải của Ban soạn thảo, sử dụng điều hòa nhiệt độ tiêu tốn năng lượng điện, là nguyên nhân khiến trái đất nóng lên. Đồng thời những chất làm mát phổ biến ở máy điều hòa (như Hydroflourocarbon HFC) cũng gây hại cho tầng ozone và ô nhiễm môi trường.
Tôi thấy lập luận này chưa thực sự thuyết phục. Hiện nay, các dòng máy điều hòa có công nghệ inverter để tiết kiệm điện là rất phổ biến. Chỉ với khoảng 5 triệu đồng, một hộ gia đình đã có thể mua một chiếc điều hòa công nghệ inverter tiết kiệm điện. Nếu nói sử dụng điều hòa nhiệt độ tiêu tốn năng lượng thì cần phải làm rõ tốn hơn như thế nào, so với các mặt hàng khác như tủ lạnh, lò nướng, bình nóng lạnh không phải chịu thuế TTĐB. Bên cạnh đó, việc quản lý sản xuất, nhập khẩu chất HFC đang được đưa vào thực hiện tại Việt Nam, với lộ trình loại trừ dần các chất HFC bắt đầu từ năm 2024.
Theo dẫn chứng của Ban soạn thảo, số thuế TTĐB thu từ mặt hàng điều hòa năm 2021 là 2.256 tỷ đồng. Số này theo tôi tính toán chỉ chiếm 2% tổng số thuế TTĐB và chỉ chiếm 0,2% tổng số thu toàn bộ thuế của cả nước, theo quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2021. Đây là con số quá khiêm tốn nếu xét đến khía cạnh duy trì thu thuế với điều hòa nhiệt độ để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.
Cuối cùng, điều hòa nhiệt độ không phải là mặt hàng xa xỉ mà chỉ những người có tài chính mới mua được. Việc thu thuế TTĐB đối với điều hòa nhiệt độ đã được thực hiện từ năm 1998. Thời điểm đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ khoảng 350 USD. Đến năm 2024, GDP bình quân đầu người nước ta ước tính khoảng 4.500 USD. Hay nói dí dỏm, chúng ta đã giàu hơn kể từ năm 1998 là 12,8 lần. Không lẽ gì một hộ gia đình cơ bản hiện nay lại không thể mua được một chiếc điều hòa nhiệt độ cơ bản.
Ngoài chiếc điều hòa nhiệt độ, một số mặt hàng khác như vàng mã, hàng mã đã được đưa vào đối tượng chịu thuế TTĐB từ năm 1990 và quy định ổn định từ năm 1998 cũng cần xem xét có thực sự là mặt hàng cần điều tiết tiêu dùng hay không. Nếu không có tác động lớn đến thu ngân sách hay không giải quyết các vấn đề xã hội thiết yếu thì cần xem xét các mặt hàng khác có ảnh hưởng lớn đến xã hội, môi trường, sức khỏe. Hiện nay, tôi thấy có rất nhiều hàng hóa gây hại cho môi trường vì việc sử dụng tràn lan như túi nilon đựng đồ trong các cửa hàng, chợ và siêu thị, hay hộp xốp đựng thức ăn tại các nhà hàng, quán ăn. Những loại hàng hóa này vì rẻ và tiện lợi nên được sử dụng rộng rãi, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt gây ô nhiễm môi trường. Việc điều tiết sử dụng các loại hàng hóa gây ô nhiễm môi trường này là việc đáng quan tâm và cần bàn thêm.
Vấn đề lớn hơn, từ chuyện chiếc điều hòa hay việc sử dụng túi nilon, nằm ở chỗ: cách sửa đổi nhiều luật thuế vẫn theo hướng luật hóa (tức là quy định cụ thể vào văn bản luật) các nội dung đã được thực hiện ổn định, không có bất cập, mâu thuẫn gì ở các văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư. Cách làm này có mặt tốt là đảm bảo có cơ sở pháp lý cao nhất khi thực hiện, tuy nhiên lại chưa thể hiện được tinh thần cải cách đột phá mỗi lần sửa luật.
Quy định gì đã thực hiện lâu và không còn phù hợp thì nên được nghiên cứu kỹ để loại bỏ hay thay đổi, nhằm đảm bảo mỗi lần sửa luật là một lần cải cách, xóa bỏ các điểm nghẽn trong quy định.
Nguyễn Trung Kiên