Việc đánh thuế bất động sản (BĐS) thứ hai nếu đưa vào thực tế, theo tôi sẽ không hiệu quả vì:
- Việc nhờ người thân đứng tên BĐS ở Việt Nam là rất dễ dàng và nó vẫn diễn ra từ trước đến nay một cách công khai. Ai cũng có thể nhờ anh, chị, em ruột, bố mẹ, con cái để đứng tên giúp cả chục BĐS.
- Họ sở hữu nhưng không bán, hoặc bán nhưng kê khai dưới giá thực tế thì đánh thuế theo giá nào?
Ví dụ bố mẹ để lại cho con một ngôi nhà ở quê thì định giá ngôi nhà đó ra sao khi ngôi nhà đó không hề được mua, bán?
- Việc theo dõi sự biến động của việc sở hữu BĐS thứ nhất hoặc thứ hai cực kỳ phức tạp. Ví dụ hai vợ chồng đang có một ngôi nhà chung, giả sử vợ chồng ly hôn thì lúc đó một người lại không sở hữu BĐS nào.
Sau khi người đó mua nhà và cưới vợ mới, vợ mới của họ cũng có nhà, vậy người đó đang sở hữu BĐS thứ nhất hay thứ hai? Hoặc tháng này đang sở hữu một BĐS, tháng sau có thể sở hữu hai, ba và tháng sau nữa có thể chỉ còn một. Và còn rất nhiều trường hợp khác nữa.
Vì vậy tôi đề nghị giải pháp như sau: Thay vì đánh thuế BĐS thứ hai thì nên thu thuế sử dụng đất ở hàng năm đối với người sử dụng đất ở và chỉ đánh thuế đất ở. Việc đánh thuế diễn ra hàng năm cho đến khi mảnh đất đó bị thu hồi hoặc chuyển đổi sang mục đích sử dụng không là đất ở.
Công tác thống kê đất đai trên cả nước hiện đã tương đối triệt để, trừ những trường hợp cá biệt hoặc ở vùng sâu, vùng xa chưa thống kê hết. Như vậy thuế sử dụng đất ở luôn đi theo các thửa đất đó mà không cần biết ai đang là người sử dụng.
Giống như việc thu phí đường bộ của xe ôtô hiện nay vậy. Khi mua, bán đất ở, cơ quan quản lý sẽ tra cứu xem mảnh đất đó còn nợ thuế không và chỉ khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế mới được sang tên.
Cơ quan quản lý có thể công khai số tiền thuế sử dụng đất ở để mọi người dễ dàng tra cứu để biết trước khi mua đất. Việc nộp thuế cũng có thể nộp trực tuyến qua tài khoản ngân hàng, vì khi cấp sổ mỗi thửa đất đều đã có mã số riêng, nhà nước chỉ cần thông báo về UBND cấp xã, phường hoặc gửi tin nhắn tới số điện thoại đã đăng ký của người sử dụng thửa đất đó khi cấp sổ.
Khi người sử dụng đất nộp thuế thì chỉ cần chuyển khoản vào tài khoản quy định và ghi đúng mã số của thửa đất, cơ quan quản lý có trách nhiệm thống kê vào sổ theo dõi thu thuế.
Trường hợp người không nộp trực tuyến được thì có thể nộp tại UBND cấp phường, xã.
Vậy thuế suất và giá đất sẽ tính thế nào? Câu trả lời là: Thuế suất do nhà nước quy định một mức nào đó tùy điều kiện thực tế tại địa phương. Giá đất thì tính theo bảng giá đất do nhà nước quy định hàng năm.
Như vậy mỗi thửa đất sẽ có mức nộp khác nhau theo từng năm, tùy khu vực và diện tích. Việc nhập và tách thửa cũng chỉ là phép tính cộng và trừ, rất đơn giản. Như vậy việc thực hiện cũng không có gì khó khăn và có thể chống gian lận thất thoát.
Lợi ích: Đánh đúng đối tượng sở hữu nhiều đất ở, tránh gian lận thất thoát, không cần quan tâm người sở hữu bao nhiêu BĐS.
Về người nghèo ở nông thôn có thể được giảm hoặc miễn nộp thuế này do từng địa phương quy định, hơn nữa bảng giá đất ở nông thôn vùng sâu cũng rất thấp nên sẽ ít ảnh hưởng tới người sở hữu đất nông thôn khu vực này. Lợi ích nữa là có một khoản thu ngân sách cực kỳ ổn định.
Một điều nữa chúng ta cần tư duy đúng: Không hạn chế người giàu sở hữu nhiều đất ở. Vì họ sở hữu nhiều thì sẽ đóng nhiều thuế hàng năm cho đất nước, góp phần xây dụng đất nước và làm phát triển thị trường BĐS.
Mặt khác sẽ hạn chế việc găm đất ở nhưng bỏ hoang, vì hàng năm nhà nước cứ thu tiền đất ở nên nếu không đưa vào sử dụng thì việc sở hữu nhiều đất ở sẽ là gánh nặng cho chính những người đó.
Nature