Ngày 9/3 hãng tin Sky News của Anh tuyên bố đã thu được danh sách 22.000 tay súng đang chiến đấu trong hàng ngũ phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), trong đó liệt kê cụ thể tên thật, gốc gác, số điện thoại và thậm chí cả tên của người bảo trợ hay tuyển mộ những phiến quân này.
Tuy nhiên, sau một thời gian kiểm định, nhiều chuyên gia chống khủng bố của Pháp cho rằng có nhiều dấu hiệu và bằng chứng cho thấy những danh sách mật bị rò rỉ này không phải là tài liệu gốc của IS, theo Le Figaro.
Chuyên gia độc lập về Hồi giáo Romain Caillet cho rằng dấu hiệu đầu tiên khiến giới phân tích nghi ngờ về tính xác thực của bản danh sách là phía trên bên trái của nó có tên cơ quan hành chính "Tổng cục biên giới lãnh thổ", một tổ chức không hề tồn tại theo quy tắc lập nước "không có biên giới" của IS.
Bên cạnh đó, tên tiếng Arab của "Tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria", tên tự xưng trước đó của IS, được viết theo hai cách, trong đó có một cách không giống trước đây. Các tài liệu ghi lại cái chết của các tay súng IS sử dụng cụm từ "ngày bị giết" thay vì thuật ngữ đặc trưng của IS là "tử vì đạo".
Mathieu Guidière, chuyên gia chống khủng bố thuộc đại học Toulouse Pháp, chỉ ra rằng ở phía dưới bên phải một số trang tài liệu có in một logo biểu trưng hình tròn mà trước đó chưa được sử dụng trong các văn bản chính thức của IS. Đó là một loại đồ họa máy tính được lấy từ video tuyên truyền cũ mà IS sử dụng cách đây nhiều năm.
Charlie Winter, nhà nghiên cứu tại đại học bang Georgia nhận định với AFP rằng ngoài nghi vấn về tên gọi và logo, những hồ sơ này cũng có các lỗi ngữ pháp mà ông miêu tả là "không đặc trưng" cho các văn bản của IS.
"Với những tài liệu quan trọng như thế này, điều cần thiết là phải nhìn nó với con mắt càng hoài nghi và sáng suốt càng tốt", ông Winter khẳng định.
Chắp nối để mua bán
Theo Le Temps, tài liệu do Sky News công bố cho thấy trước khi gia nhập IS, các tân binh sẽ phải trả lời các câu hỏi về nhóm máu, tên thật, những hiểu biết về luật Hồi giáo Sharia và kinh nghiệm bản thân. Một vài cái tên được ghi trong tài liệu là các tay súng đã được xác định danh tính, như Abdel-Majed Abdel Bary, vốn là ca sĩ nhạc rap người Anh và từng đăng hình ảnh tự tay cầm một chiếc thủ cấp bị cắt rời trên trang Twitter. Các tên khác gồm Junaid Hussain, một đặc vụ mạng của IS tới từ thành phố Birmingham (Anh) và Reyaad Khan, 21 tuổi, từng xuất hiện trong một đoạn video về tuyển mộ tân binh. Hai phiến quân này đã bị tiêu diệt năm 2015.
Dalia Ghanem-Yazbeck, nhà nghiên cứu về chủ nghĩa jihad tại Trung tâm Carnegie Trung Đông ở Beirut, nhận định các tờ khai này "dường như ít chi tiết phức tạp" hơn các tài liệu được rò rỉ trước đây.
Nhà báo và chuyên gia về chủ nghĩa jihad Wassim Nasr cho rằng có thể một số cái tên là xác thực, nhưng người tạo ra chúng nhiều khả năng đã sửa cách trình bày và thêm các thông tin để bán với giá cao cho những khách hàng khác nhau. Nasr cho biết bản thân ông cũng từng gặp phải trường hợp này tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, nơi thường xuyên có người rao bán rất nhiều tài liệu có in logo lá cờ đen với bất kỳ giá nào.
Theo Guidière, tài liệu rò rỉ lần này làm giới phân tích nhớ đến một tài liệu có tên gọi "Hồ sơ Sinjar" do quân đội Mỹ phát hiện tại thành phố Sinjar gần biên giới Syria vào năm 2007. Tài liệu này chứa danh sách 700 tay súng nước ngoài gia nhập mạng lưới al-Qaeda ở Iraq. Hồ sơ Sinjar có nhiều thông tin giống với tài liệu mà Sky News thiết lộ. Điểm khác biệt duy nhất là tài liệu lần này có thêm thông tin về số tiền các tay súng nhận được khi tham gia vào mạng lưới phiến quân.
Guidière nhận định tài liệu của Sky News chỉ là một mớ hỗn tạp vài danh sách các tay súng nước ngoài của nhiều nhóm jihad như Nhà nước Hồi giáo, Mặt trận al-Nusra, các chi nhánh al-Qaeda tại Syria. Các tổ chức tình báo Mỹ và châu Âu trên thực tế đã nắm được một phần danh sách này vào tháng 12/2015.
"Gần như chắc chắn đây không phải là một tài liệu chính thức của Nhà nước Hồi giáo. Nó đơn giản là sự chắp nối từ nhiều tài liệu khác nhau nhằm tăng giá trị mua bán", Le Monde dẫn một nguồn tin từ Tổng cục tình báo Hải ngoại Pháp khẳng định.
Nguyễn Hoàng