Tác giả bài viết Nguy cơ mất sạch 150 triệu đồng tiết kiệm vì cho mượn kể về việc hai lần cho người thân mượn số tiền lớn nhưng chưa biết khi nào được trả. Bài viết nhận được nhiều quan tâm, bình luận.
Bản thân như một cây ATM của gia đình là tâm sự của độc giả có nickname kimdragon8989:
"Tôi 46 tuổi, từng hết mình giúp đỡ người nhà. Tôi nhịn ăn, đi làm 2-3 việc mỗi ngày không nề hà bất kỳ việc gì.
Năm 2010 tôi có khoảng 250 triệu, đưa cho tía má sửa nhà, giúp chị xây nhà. Sau đó đi làm tiếp tục giúp em trai xây nhà, giúp chị lớn trả nợ, nuôi mấy đứa con. Sau đó có thêm tiền tôi giúp mấy người hết ốm đau, rồi vỡ nợ... Chưa bao giờ giữ lại một đồng cho bản thân.
Thậm chí vì họ nghèo khổ, tôi còn đi mượn nợ đưa tiền cho họ. Vậy mà lúc đất đai được giá họ bán đất chia nhau, không đưa tôi một đồng, họ bảo nghĩ tôi không lấy. Lúc nhỏ tôi thấy thương tía má vô cùng nhất là mấy mùa nước lũ.
Nhưng đời bạc lắm. Bây giờ lúc cuối đời tôi bệnh nhiều vì lao lực quá sức, không ai giúp tôi. Tiền vay không trả lại mà bảo có mấy đồng khi nào đợi tí rồi trả. Trên đời này người không vì mình "trời tru đất diệt".
Nhất là mấy bạn sinh trong gia đình khó khăn cực kỳ thương cha mẹ, anh em. Nhưng mà bạn ơi đời bạc lắm không ai sống cho mình đâu, mình phải thương mình trước khi thương người, kể cả thương cha mẹ cũng vậy.
Tôi nghiệm ra thì đã muộn rồi. Nếu có kiếp sau tôi không muốn dính dáng gì đến những người ở kiếp này nữa. Giờ tôi lo thiền tập chỉ cần đủ ăn, không thể mua nhà vì hết sức khỏe, tôi sống cho qua ngày thôi. Tôi không muốn đến nhà họ nữa nên xóa liên lạc và tự thương thân mình".
Bạn đọc nickname dat19vtv kể: "Còn tôi, tuy số tiền cho người thân mượn không nhiều, chỉ 10 triệu nhưng thời gian vay mượn đã gần tròn 10 năm. Trong khoảng thời gian gần 10 năm này tôi không hề nhắc đến số tiền trên và đặc biệt người thân cũng không bao giờ nhắc đến số tiền nợ trên? Có lẽ mình và người thân đang 'thi nhau' im lặng, xem ai không nhắc tới 10 triệu đó lâu hơn?".
Xác định mất luôn số tiền đã cho mượn là nỗi niềm của độc giả hatamk895: "Tôi cho em vợ vay 150 triệu làm nhà cách đây hơn 10 năm. Khi vay thì nói khi nào anh chị cần em trả, khi tôi làm nhà cũng chẳng thấy đả động gì, cách đây hai năm cậu em quý hóa đã phải bán nhà trả nợ lô đề mà vẫn không đủ, coi như xong, thật chẳng có cái dại nào giống cái dại nào".
Độc giả little.aladin19 nói: "Hãy xem như bài học, đồng tiền kiếm được vất vả, khó khăn, là mồ hôi công sức của mình. Lúc họ khó khăn mình sẵn sàng đưa mà đến lúc đòi lại thì như đi xin.
Kể cả trong một gia đình, tôi quan niệm bản thân phải độc lập tài chính tốt rồi mới giúp người khác được, không thì kết quả cuộc đời mình lo không xong.
Tưởng tượng giống như bạn đi tốc độ đều đặn, trên con đường bằng phẳng thì bạn sẽ đến đích sớm hơn. Còn bạn vòng vèo qua đường này, đường khác rồi trở lại lối cũ thì không biết bao giờ mới đến đích.
Giao tiền cho người không có quản lý tài chính tốt thì một thời gian sau họ lại khó khăn y như vậy thôi. Vài trăm triệu có thể là lớn nhưng cũng chưa đủ mình xây dựng tài chính cho bản thân tốt được.
Đối với người thân, tôi xác định gọi là cho vay nhưng sẽ xác định mất luôn nên mình chỉ cho với số tiền có thể chấp nhận là sẽ mất".
Độc giả Tien Thinh đúc kết:
"Nhiều người không biết từ chối, không biết nói không. Để biết nói không, chúng ta cần phải học, nhưng tiếc rằng cha mẹ cũng không có kiến thức để dạy, nhà trường lại càng không.
Kết quả là mỗi người đều phải trả học phí rất đắt để rút ra bài học: Bản thân mình là số một, cần phải nghĩ cho mình, vì mình, lo được cho mình. Hãy vất chữ "cả nể" vào thùng rác và phải biết từ chối khi bản thân không đủ sức.
Tôi thường xuyên bị hỏi vay tiền, nhưng thường tôi sẽ cho luôn một khoản nhỏ bằng 1/10 đến nhiều nhất là 1/3 số tiền họ hỏi vay. Thế là chả bao giờ họ hỏi tiếp, trong khi mối quan hệ vẫn giữ được tốt".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.