Việc đánh giá lại tài sản các nhà máy thuỷ điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được nêu trong quyết định do Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký, ngày 5/1.
Theo đó, phần được đánh giá lại từ 1/7 là các tài sản cố định hữu hình của ba nhà máy thuỷ điện đang được theo dõi, hạch toán trên sổ sách kế toán.
Nguồn chênh lệch tăng do đánh giá lại tài sản sẽ được bổ sung vốn điều lệ cho EVN, tạo nguồn để tập đoàn này đầu tư phát triển các dự án điện và cơ cấu lại tài chính trong 5 năm tới.

Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình. Ảnh: EVN
Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn việc đánh giá, bổ sung vốn điều lệ cũng như nghĩa vụ thuế với giá trị chênh lệch do đánh giá lại. Các Bộ: Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn hướng dẫn và xử lý các vướng mắc phát sinh.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét phê duyệt kết quả đánh giá lại 3 nhà máy thủy điện của EVN sau khi có kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Cơ quan này cũng sẽ quyết định việc bổ sung, điều chỉnh vốn điều lệ cho EVN từ nguồn chênh lệch tăng do đánh giá lại tài sản.
Hội đồng thành viên EVN lựa chọn phương pháp đánh giá lại và tổ chức thực hiện, bảo đảm các yêu cầu vận hành an toàn, phù hợp với tuổi thọ kỹ thuật của 3 nhà máy thủy điện và không làm tăng giá bán điện.
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình do Liên Xô (cũ) thiết kế và cung cấp thiết bị, hoàn thành tháng 12/1994 với công suất 1.920 MW, gồm 8 tổ máy. Đập xả tràn của nhà máy này có 12 cửa xả đáy và 6 cửa xả mặt với năng lực xả tối đa 35.400m3/s. Hồ chứa nước có dung tích 9,8 tỷ m3 nước. Đây là một trong số nhà máy thủy điện lớn nhất trong khu vực.
Nhà máy thủy điện Ialy là được xây dựng trên dòng Krông B'Lah ở ranh giới huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum và huyện Chư Păh tỉnh Gia Lai. Thủy điện Ialy có công suất lắp máy 720 MW với 4 tổ máy, bình quân mỗi năm cung cấp hơn 3,6 tỷ kWh.
Còn nhà máy thuỷ điện Trị An (Đồng Nai) có 4 tổ máy, tổng công suất thiết kế 400 MW, cung cấp sản lượng điện bình quân mỗi năm khoảng 1,7 tỷ kWh.
Anh Minh