Cách đây 45 năm, ngày 7/1/1979, thủ đô Phnom Penh của Campuchia được giải phóng. Từ cuộc phản công tự vệ chính đáng ở biên giới Tây Nam, quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng lực lượng kháng chiến Campuchia chấm dứt đêm dài ác mộng của chế độ diệt chủng Pol Pot, kết thúc thời kỳ đen tối và mở ra kỷ nguyên mới độc lập, tự do, dân chủ và phát triển xã hội của Campuchia.
S. D. Pradhan, cựu chủ tịch Ủy ban Tình báo và cựu phó cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ, nhận định những năm tháng dưới chế độ diệt chủng Pol Pot là giai đoạn "kinh khủng và đẫm máu nhất lịch sử" Campuchia. Tập đoàn Pol Pot với ảo tưởng thiết kế "một xã hội nông nghiệp không tưởng phi giai cấp, tự cung tự cấp" đã săn lùng và bức hại mọi thành phần trí thức, thành thị, cộng đồng thiểu số và tàn sát chính đồng bào mình.
Theo báo cáo của Tòa án Đặc biệt Tư pháp Campuchia (ECCC), cơ quan do Campuchia và Liên Hợp Quốc phối hợp thành lập để xét xử tội ác chế độ Pol Pot, tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary trong hơn ba năm nắm quyền (17/4/1975 - 7/1/1979) đã giết hại khoảng 1,7-2,2 triệu người tại Campuchia. Nghiên cứu của giới học giả và chính phủ Campuchia ước tính hơn ba triệu người đã bị sát hại dưới chế độ Pol Pot.
Phán quyết năm 2018 của ECCC kết luận chế độ Pol Pot đã phạm "tội ác diệt chủng và tội ác chống lại nhân loại" đối với cộng đồng gốc Chăm và cộng đồng gốc Việt tại Campuchia trong giai đoạn 1975-1979. Những tội ác này được thể hiện qua các chính sách sát hại, thanh trừng, trục xuất và bắt tù dựa trên yếu tố sắc tộc.
Farina So, cựu lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Giới tính và Sắc tộc thuộc Trung tâm Tổng hợp Tư liệu Campuchia (DC-Cam), ước tính 36% dân số Chăm theo Hồi giáo, tương đương hơn 300.000 người, đã thiệt mạng trong hơn ba năm chế độ Pol Pot nắm quyền.
Khoảng 90% trong cộng đồng 200.000 người gốc Việt tại Campuchia giai đoạn đó bị trục xuất. ECCC cũng thống kê nhiều vụ sát hại tập thể người gốc Việt tại Campuchia giai đoạn 1977-1978.
Cựu thủ tướng, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Hun Sen mô tả Campuchia lúc bấy giờ không khác gì "cánh đồng chết đen tối".
"Chế độ tàn bạo này đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân vô tội, hủy hoại toàn bộ đất nước. Người dân Campuchia bị cưỡng bức lao động khổ sai, không có thức ăn, không có bệnh viện, không có trường học, không có tự do", ông Hun Sen cho hay.
Cố giáo sư Benny Widyono, cựu thành viên cấp cao Trung tâm Nghiên cứu Khmer tại Siem Reap, cho biết tội ác hung tàn của chế độ Pol Pot đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trên khắp thế giới, với nhiều nhà báo và hội nhóm lên tiếng đòi công lý. "Chỉ tiếc rằng tiếng nói lên án chế độ diệt chủng khi đó đã không được cất lên ở Liên Hợp Quốc, do bị chi phối bởi tính toán ngoại giao của cường quốc", ông Widyono viết trong bài bình luận năm 2009, trong mục lưu trữ UN Chronicle của Liên Hợp Quốc.
Theo ông Hun Sen, giữa tình hình chính trị trong nước và quốc tế lúc đó, quốc gia có khả năng giúp đỡ Campuchia chỉ có Việt Nam. Đây là lý do ông Hun Sen đã quyết định cùng một số cán bộ yêu nước của Campuchia sang Việt Nam bày tỏ mong muốn được giúp đỡ của nhân dân Campuchia, bởi ông cho rằng "không còn con đường nào khác".
Ông Pradhan nhận định Việt Nam hỗ trợ nhân dân Campuchia lật đổ chế độ Pol Pot không chỉ là nghĩa vụ đạo đức chấm dứt ác mộng diệt chủng, mà còn là hành động tự vệ chính đáng trước tham vọng lãnh thổ của Pol Pot.
Pol Pot từ năm 1977 mở các cuộc tấn công qua biên giới Việt Nam, phá hủy nhiều ngôi làng biên giới và giết hại hàng chục nghìn dân thường, phần lớn là người già, phụ nữ, trẻ em, đốt cháy hàng vạn ngôi nhà, tài sản của người dân. Gần nửa triệu người rơi vào cảnh mất nhà cửa và ly tán, hơn 100.000 ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang vì giao tranh.
"Vào đầu năm 1978, Việt Nam đã tìm cách đàm phán nhưng Pol Pot từ chối lắng nghe. Đến cuối năm 1978, đánh đổ chế độ Pol Pot đã trở thành lựa chọn duy nhất của Việt Nam để bảo vệ nhân dân Campuchia lẫn biên giới quốc gia", ông Pradhan bình luận.
Trước những tội ác xâm lược của bè lũ Pol Pot, đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng, chặn đứng hành động gây chiến tranh xâm chiếm biên giới Tây Nam, giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng dân tộc khỏi nạn diệt chủng.
"Gần như toàn bộ nhân dân Campuchia thời điểm đó, bất luận quan điểm chính trị, đều hoan nghênh bộ đội Việt Nam giúp giải phóng họ khỏi những năm tháng ác mộng", ông Pradhan cho hay.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm lần thứ 45 năm "Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" ngày 20/6/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết quân tình nguyện Việt Nam đã kề vai, sát cánh cùng lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia tiến hành nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh để hoàn toàn giải phóng thủ đô Phnom Penh vào ngày 7/1/1979.
"Đây là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại, đưa Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, hồi sinh đất nước và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. Ngày 7/1/1979 được nhân dân Campuchia tôn vinh là "sinh nhật lần thứ hai của mình", giúp họ có cuộc sống như ngày nay.
Sau khi đánh đổ chế độ Pol Pot, Việt Nam đã cử nhiều đoàn chuyên gia trên tất cả các lĩnh vực hỗ trợ Campuchia xây dựng chính quyền cơ sở và phục hồi kinh tế - xã hội từ đống đổ nát do chế độ diệt chủng để lại. Lực lượng chính trị và vũ trang cách mạng Campuchia cũng ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, đủ khả năng tự lực bảo vệ thành quả cách mạng và hồi sinh đất nước.
Trong hội thảo do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) tổ chức năm 2019, cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Võ Anh Tuấn cho hay Việt Nam từng vấp phải nhiều khó khăn trong vấn đề Campuchia.
Chủ đề này luôn nóng trong mỗi cuộc họp về hòa bình, an ninh của Liên Hợp Quốc. Trước việc nhiều nước cho rằng Việt Nam "xâm lược Campuchia", phái đoàn Việt Nam phải tìm những lập luận để phản bác, khẳng định cuộc chiến là chính nghĩa.
"Thế khó của Việt Nam khi đó là ít bạn. Chúng ta gần như bị cô lập về vấn đề Campuchia", ông kể. "Trong quan hệ quốc tế, bạn hay thù có thể thay đổi, nhưng độc lập chủ quyền dân tộc thì không bao giờ. Anh giữ được độc lập chủ quyền thì luôn đúng, không giữ được thì anh nói gì cũng sai".
Cựu đại sứ cho biết để nghe, hiểu và trả lời cho hơn 90 nước thành viên Liên Hợp Quốc khi đó để họ hiểu lý lẽ của Việt Nam là điều rất khó. Đoàn ngoại giao Việt Nam đã luôn vận dụng châm ngôn "dĩ bất biến, ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh để giải quyết vấn đề này.
Trong bài viết kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng 7/1, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) cho rằng Campuchia có thể lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot là nhờ có sự hỗ trợ và ủng hộ từ bộ đội tình nguyện và nhân dân Việt Nam. Chiến thắng ngày 7/1/1979 là sự kiện lịch sử thể hiện tinh thần đại đoàn kết quốc tế giữa nhân dân và quân đội hai nước Campuchia - Việt Nam, mở ra trang mới trong quan hệ hữu nghị, láng giềng tốt đẹp giữa hai nước.
RAC nhận định quan hệ giữa Campuchia và Việt Nam không ngừng tiến triển cho đến ngày nay và ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Năm 1989, theo thỏa thuận giữa hai nước, Việt Nam rút hết quân tình nguyện ở Campuchia, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả, vẻ vang, trong sáng, hiếm có trong lịch sử quan hệ quốc tế.
"Chúng ta luôn tự hào về những năm tháng không thể nào quên ấy, nhân dân Campuchia đã trìu mến gọi các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam là 'Bộ đội nhà Phật'", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. "Chúng ta thành kính tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn và sự hy sinh anh dũng của những người con ưu tú của cả hai dân tộc trong cuộc đấu tranh cao cả đó".
Thanh Danh