Buổi độc tấu dương cầm của nghệ sĩ tài danh Canada diễn ra tại Nhà hát TP HCM tối 13/5.
Ở lời nói đầu chương trình, Alain Lefèvre cho biết, ông rất xúc động khi lần đầu tiên đến Việt Nam biểu diễn và hy vọng mang đến điều gì đó đặc biệt cho khán giả.
Alain Lefèvre đã không nói suông. Trong suốt khoảng một tiếng 30 phút, ông cống hiến cho khán thính giả một đêm nhạc tuyệt vời với những đợt sóng cảm xúc khác nhau.
Với chiếc đàn piano trên sân khấu, Alain Lefèvre vừa là nghệ sĩ độc tấu vừa là người dẫn dắt khán giả vào các phần của đêm nhạc qua lối nói chuyện cởi mở, hóm hỉnh. Ở phần đầu chương trình, ông thể hiện 7 bản Prélude của nhà soạn nhạc danh tiếng người Canada Francoise Dompierre. 7 khúc dạo đầu này mang đầy đủ sắc thái từ tự sự, trữ tình đến dữ dội, mãnh liệt, tràn đầy cảm xúc. Bản Prélude No.3 "Massif" đầy những xung động với âm nhạc náo nức, có phần nổi loạn. Vừa dứt những nốt nhạc sôi động này, ngón đàn Lefèvre chuyển sang bản Prélude No.4 "Limpide" nhẹ nhàng, chậm rãi, thư thái, Prélude No.7 "Tendre" mượt mà, gợi cảm giác như những mảnh lụa mềm mơn man trong gió...
Phần thứ hai của đêm nhạc, danh cầm dành để giới thiệu 5 tác phẩm âm nhạc do chính ông sáng tác và biên soạn gồm: Dis-moi tout, Balalaika, Un ange passe, Petite mère, Vingt ans. Đây là những nhạc phẩm làm nên tên tuổi của Lefèvre không chỉ như một nghệ sĩ trình diễn tài năng mà còn là một nhà soạn nhạc có thể chạm đến trái tim người nghe với những nét nhạc tinh tế nhất.
Alain Lefèvre tâm sự, bản Dis-moi tout ông viết về chuyện một đứa bé hết sức yêu cha của mình và muốn bày tỏ nỗi lòng với cha. Qua Dis-moi tout (xem clip), Alain Lefèvre thể hiện đầy đủ con người, phẩm chất, cá tính của mình. Ông đã dành thời gian đi khắp nơi trên thế giới, trò chuyện và dạy về âm nhạc cho hàng trăm nghìn đứa trẻ tại nhiều trường học, bệnh viện, các học viện âm nhạc... Bản nhạc trữ tình này có thể khiến người ta rơi nước mắt vì đầy nét tự sự, như thủ thỉ chuyện trò với người đối diện nhưng cũng như trút nỗi lòng tâm sự của cá nhân mà không đòi hỏi ai phải hiểu thấu.
Ở bản Balalaika, nhạc phẩm ông từng chơi trong chuyến lưu diễn Nga lần đầu tiên, Lefèvre làm rung động người nghe với chất liệu dân ca hồn hậu, thơ mộng của xứ sở bạch dương. Sang Un ange passe, tiếng đàn của ông nói lên tấm lòng của chính mình về người cha đã qua đời.
Phần cuối chương trình cũng là phần "đỉnh" thể hiện tuyệt kỹ ngón đàn của Alain Lefevre. Ông dồn tất cả tâm lực vào để giới thiệu thiên tài, thần đồng âm nhạc André Mathieu (1929-1968) của Canada.
Alain Lefèvre trình diễn Prélude No.5 (Khúc dạo đầu lãng mạn) và Bản giao hưởng Quebec của André Mathieu với tất cả sự đồng điệu dành cho người nhạc sĩ thiên tài ông rất ngưỡng mộ. Alain Lefèvre có sự đồng cảm đặc biệt với Mathieu bởi hoàn cảnh của cả hai có nhiều nét tương đồng, đều gắn bó với âm nhạc cổ điển từ khi còn rất nhỏ - khoảng 4-5 tuổi và có thời trẻ trải qua nhiều khó khăn, vất vả để theo đuổi đam mê âm nhạc cổ điển.
Có những khoảnh khắc khi Lefevre biểu diễn, cánh tay phải của ông lướt nhanh theo tiết tấu, giai điệu của nhạc phẩm, cánh tay trái vung lên không như đang tự là nhạc trưởng của chính mình. Danh cầm thu hút khán giả với phong thái lịch lãm, phiêu linh, phá cách nhưng rất gần gũi. Khi ông vừa dứt những nốt cuối của Bản giao hưởng Quebec, gần như cả Nhà hát TP HCM nhất loạt đứng dậy để trao cho ông cơn mưa vỗ tay. Rời chiếc đàn, Alain Lefèvre mỉm cười hạnh phúc cúi chào mọi người khi cảm nhận được thành công của mình trong vai trò được là một trong những "đại sứ âm nhạc cổ điển" của đất nước mình, như lời ông thổ lộ.
Chị Nguyệt Sa, thành viên của tổ chức âm nhạc Transposition (Nauy), một khán giả trong đêm nhạc, chia sẻ cảm nhận: "Alain Lefevre có ngón đàn điêu luyện và tràn đầy năng lượng. Các nhạc mục ông chọn biểu diễn trong chương trình đều hướng đến đông đảo người nghe như một sự quảng bá cho nền âm nhạc còn khá mới mẻ của Canada, cũng như giúp người nghe hiểu thêm về những sáng tác của ông. Tôi rất thích những âm thanh nước Nga trong tiểu phẩm Balalaika của Lefèvre. Phần khiến tôi thú vị nhất chính là việc danh cầm Canada đã giúp khán giả Việt biết đến tác phẩm của nhạc sĩ Andre Mathieu khi mới 9 tuổi qua bản concerto Quebec".
Được xưng tụng bằng nhiều cái tên: “người hùng”, “dương cầm thủ kỳ tài”, “bậc thầy trình diễn”, “quán quân nghệ thuật”, “tài năng thiên bẩm” và “10 ngón tay ma thuật xứ Quebec”, nhưng Alain Lefvre không cố ý phô diễn kỹ thuật và ngón đàn ở Việt Nam. Ông thể hiện sự trầm tĩnh, để trái tim dẫn dắt "đôi bàn tay ma thuật" truyền cảm xúc đến người nghe.
Alain Lefevre còn một đêm diễn vào 20h ngày 15/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đêm hòa nhạc dương cầm của ông góp phần đánh dấu một mốc son mới trong 40 năm quan hệ ngoại giao Canada - Việt Nam nói chung và giao lưu văn hóa giữa hai nước nói riêng.
* Clip: |
- 10 ngón tay "ma thuật" của Alain Lefèvre |
- Alain Lefèvre làm nức lòng người hâm mộ |
Thoại Hà
Ảnh: Thắng Hồ