Đến Việt Nam vào tối 11/5, sáng 12/5, nghệ sĩ dương cầm người Canada gốc Pháp, Alain Lefèvre có mặt ở Nhạc viện TP HCM luyện đàn, chuẩn bị cho đêm biểu diễn lần đầu tiên của ông ở TP HCM.
Dành một ít thời gian trong lịch làm việc bận rộn, người nghệ sĩ được mệnh danh "dương cầm thủ kỳ tài" trả lời phỏng vấn VnExpress.net tại căn phòng nhỏ ở Nhạc viện.
- Cảm giác của ông ra sao khi lần đầu tiên đến Việt Nam trình diễn?
- Tôi thật sự rất xúc động về chuyến đi này. Bề dày lịch sử của đất nước các bạn thu hút tôi rất nhiều. Thêm vào đó, ở Canada hiện nay rất đông người Việt Nam định cư. Đây là một cộng đồng rất quan trọng của đất nước của chúng tôi Tôi từng làm việc với rất nhiều người Việt Nam ở Canada, kể cả những trẻ em ở trường học. Họ đều rất giỏi, cởi mở, hiền lành, tốt bụng và lịch sự. Vì thế, dù đặt chân đến đây lần đầu tiên tôi cảm thấy rất thoải mái.
Tôi cũng được tạo điều kiện tốt nhất để chuẩn bị cho buổi hòa nhạc của mình. Cây đàn dương cầm mà tôi đang tập đây rất tuyệt!
- Biểu diễn ở một đất nước mà nền nhạc âm nhạc giao hưởng chưa phát triển như Việt Nam, cảm giác của ông khác thế nào với khi đến những quốc gia có truyền thống lâu đời về loại hình nghệ thuật này?
- Tôi không cảm thấy sự khác biệt nào quá lớn. Thật lòng mà nói, tôi có cảm giác tự tin nhiều về sự phát triển của nhạc cổ điển ở những quốc gia như ở Việt Nam hơn cả ở Canada. Bởi hiện tại những đất nước như Canada, Đức, Mỹ, Pháp, dù nền âm nhạc cổ điển có truyền thống phát triển rất lâu đời, vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề. Chúng tôi có quá nhiều trẻ em không còn muốn nghe nhạc cổ điển mà bị thu hút bởi Pop, Rock, Rap... Trái lại, khi lưu diễn ở châu Á, tôi có cảm giác ngày càng nhiều bạn trẻ tìm đến nhạc hàn lâm.
Ở Việt Nam, tôi vui vì cảm nhận rõ ràng về một thế hệ khán giả mới. Trong khi đó, ở những quốc gia có truyền thống nhạc cổ điển lâu đời, công chúng dường như đang trở nên già cỗi hơn.
- Vì sao trong đêm biểu diễn của mình, ông chỉ chọn Francois Dompierre và André Mathieu, hai tác giả còn khá xa lạ với khán giả Việt Nam?
- Tôi trình diễn hai tác giả này ở khắp nơi. Trước hết đây là hai tác giả Canada. Là một công dân Canada, tôi tự hào về đất nước mình vô cùng. Canada là một quốc gia có truyền thống khoan dung, hòa hiếu và là đất nước tuyệt vời. Với danh nghĩa một nghệ sĩ dương cầm của đất nước mình, tôi không chỉ tối ngày cứ chơi Chopin, Brahams, Beethoven... Tất nhiên là tôi rất yêu âm nhạc của các tác giả này và rất tôn trọng họ nhưng điều tôi thấy quan trọng hơn hết là cần mang những nhà soạn nhạc người Canada đến với khán giả thế giới.
Andre Mathieu là một thiên tài âm nhạc của Quebec và ông chết trẻ. Nhạc của ông ngày nay người ta chơi khắp nơi trên thế giới. Cuộc đời ông được đưa lên sách, phim ảnh... Francois Dompierre và André Mathieu thực sự là hai tác giả rất lớn, rất tuyệt vời. Tôi hy vọng sẽ giúp khán giả Việt Nam biết đến tác phẩm của họ nhiều hơn.
Mỗi khi thấy nhiều nghệ sĩ người Canada chơi nhạc của Chopin của Brahams, tôi đều nói: "Tuyệt lắm! Nhưng bạn là người Canada vậy thì xin bạn hãy làm gì đó cho Canada". Tôi chỉ đơn giản nghĩ như thế.
- Ông kỳ vọng điều gì vào hai đêm biểu diễn ở TP HCM và Hà Nội?
- Tôi đã biểu diễn ở 48 quốc gia trên thế giới và đây là lần đầu tiên tôi biểu diễn ở Việt Nam. Vì là lần đầu tiên nên chắc chắn có rất nhiều cảm xúc. Tôi hy vọng sẽ có khởi đầu tốt đẹp với khán giả ở nước thứ 49 này để tôi có dịp quay lại đây thêm một lần nữa.
- Chủ đề cuộc nói chuyện giữa ông và sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia tại Hà Nội vào ngày 14/5 tới là gì?
- Tôi sẽ nói với họ, việc học tập và biểu diễn nhạc cổ điển là một điều đặc biệt tuyệt vời. Tôi hy vọng thế giới này sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu chúng ta đều tin rằng nghệ thuật chân chính có thể làm con người ta tốt hơn. Đôi khi những doanh nhân cho rằng nghệ thuật là hệ quả của sự phát triển của nền kinh tế. Nhưng ngay như ở đất nước Canada của tôi, rất nhiều cái tên trong nền nghệ thuật đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế. Vậy thì hãy tin vào nghệ thuật mà bạn đang theo đuổi. Các nghệ sĩ trẻ Việt Nam hãy luyện tập chăm chỉ và hãy chơi nhạc thật cừ vào. Hãy để những thế hệ nghệ sĩ trong nước của các bạn vươn xa ra tầm thế giới với đam mê. Đó là cũng là điều mong mỏi của tôi.
- Ông quan tâm gì đến sự phát triển của nền âm nhạc cổ điển ở Việt Nam?
- Tôi biết nghệ sĩ Đặng Thái Sơn của các bạn khá rõ. Anh ấy là một nghê sĩ và một con người rất tuyệt vời. Từ anh Sơn, tôi tin Việt Nam sẽ còn nhiều nghệ sĩ tài năng khác như thế... Cá nhân tôi nghĩ rằng trong chừng 20 năm tới ở Việt Nam sẽ có rất nhiều nghệ sĩ tài danh đẳng cấp quốc tế.
Tôi khá lạc quan về sự phát triển của nhạc cổ điển ở những đất nước châu Á còn phương Tây thì không. Nếu bạn hỏi tôi là biểu diễn ở Việt Nam hay ở Berlin quan trọng hơn, tôi xin thành thật nói rằng diễn cho khán giả ở Việt Nam quan trọng hơn, vì tôi cảm nhận rõ rằng nếu tôi chơi nhạc với tất cả tâm hồn ở đây, sẽ có một thế hệ người trẻ biết đặt ra những kỷ luật để học tập, làm việc và tỏa sáng trong lĩnh vực này trong tương lai.
- Ngoài tấm gương Đặng Thái Sơn, điều gì khiến ông có tiên đoán như thế?
- Ngày 11/5, tôi đến TP HCM khá trễ. Khi về phòng của mình, tôi bật tivi và vô tình thấy ngay một buổi hòa nhạc được chiếu trên một kênh nào đó của Việt Nam. Ngồi xuống thưởng thức được 5 phút tôi thấy mình rơi nước mắt. Dàn nhạc giao hưởng của các bạn chơi quá hay một nhạc phẩm của Beethoven.
Việc kênh truyền hình dành thời gian chiếu nhạc cổ điển chính là một trong những chìa khóa để đưa loại hình âm nhạc này đến với các tầng lớp khán giả. Các bạn Việt Nam đang làm điều đúng đắn. Hiện tại, ở Canada, người ta xem tivi hàng năm trời và tìm ra một bản giao hưởng được chơi trên truyền hình thì khó hơn là tìm thấy một nàng Lady Gaga "xinh đẹp". Điều này thật đáng buồn nhưng thực tế đang là như vậy. Tôi yêu đất nước của tôi nhưng tôi vẫn đấu tranh hàng ngày để chính phủ thấy rằng nhà nước, truyền thông, trường học phải hỗ trợ cho nhạc cổ diển.
Tôi hy vọng chuyến đến Việt Nam lần đầu sẽ thành công để những lần tiếp theo tôi có dịp quay lại đây, trò chuyện với lũ trẻ, để nói với chúng rằng: "Âm nhạc cổ điển là một thứ âm nhạc tuyệt diệu, vô cùng hấp dẫn". Hiện nay, xã hội và truyền thông của những đất nước phát triển dường như đang làm giới trẻ thấy rằng Mozart và Lady Gaga là giống nhau. Hoàn toàn không phải như thế! Phải rạch ròi ra chứ! Lady Gaga là một điều ngớ ngẩn kinh khủng, còn Mozart là một thiên tài.
- Nhiều năm qua, ông giữ vai trò host của một kênh radio về âm nhạc cổ điển. Công việc này có ý nghĩa như thế nào với ông?
- Tôi luôn có sự ám ảnh về việc phải góp phần thúc đẩy sự phát triển âm nhạc cổ điển. Khi làm ở đài phát thanh, tôi có thể nói chuyện và tiếp xúc với nhiều người và cả trẻ em, giúp họ hiểu thêm về loại hình nghệ thuật này. Tôi sẵn sàng làm việc ở bệnh viện, trường học hay bất kỳ đâu để mang âm nhạc đến với người trẻ. Chỉ cần vài năm sau, một trong số ít lũ trẻ trở nên thích nghe nhạc cổ điển là tôi hạnh phúc.
- Vì sao hầu hết tác phẩm ông trình diễn hay sáng tác đều hàm chứa sự thư thái, nỗi buồn dịu ngọt, lắng đọng?
- Tôi là một người cực kỳ lãng mạn. Tôi luôn tin cuộc sống này rất đẹp. Và cuộc sống là để dành cho tình yêu.
- Tuổi tác có ý nghĩa như thế nào với một "dương cầm kỳ thủ" như ông?
- Tôi luôn luôn thấy mình rất trẻ. Những ai chơi nhạc cổ điển đều thấy mình trẻ. Trong loại hình âm nhạc này, tuổi tác càng làm cho bạn trở thành người tốt hơn.
- Ngoài đàn, ông còn có những mối quan tâm nào trong cuộc sống?
- Giáo dục trẻ em, thanh niên hiểu rằng đồng tiền không quyết định phẩm chất của con người. Nghệ thuật và tâm hồn rất quan trọng. Âm nhạc và giáo dục mang đến niềm hy vọng.
- Là một người lãng mạn, ông thường cảm thấy thế nào khi đứng trước các cô gái đẹp?
- (cười to) Tôi yêu tất cả những gì thuộc về cái đẹp. Vừa đến Việt Nam tôi đã thấy là phụ nữ Việt Nam rất xinh đẹp, trẻ trung. Nhưng người phụ nữ hấp dẫn tôi nhất chính là vợ tôi. Chúng tôi đã kỷ niệm hơn 20 năm bên nhau. Cuộc sống, tình yêu của tôi chính là vợ tôi.
Đêm hòa nhạc dương cầm Alain Lefèvre góp phần đánh dấu một mốc son mới trong 40 năm quan hệ ngoại giao Canada - Việt Nam nói chung và giao lưu văn hóa giữa hai nước nói riêng. Ông biểu diễn tại Nhà hát TP HCM vào 19h30 ngày 13/5, và vào 20h ngày 15/5 tại Nhà hát lớn Hà Nội. |
Thoại Hà thực hiện
Ảnh: Thắng Hồ