Ông mở màn liveshow Tằm tơ nhả ngọc - chương trình tái ngộ khán giả quê nhà sau 18 năm - với trích đoạn Đêm lạnh chùa hoang (soạn giả Yên Lang). So với liveshow đầu hôm 15/7, nghệ sĩ hát bị chênh, nhiều đoạn không theo kịp dàn nhạc. Sau khi hoàn thành tiết mục, ông xin lỗi vì thể hiện chưa được trọn vẹn như mong muốn.
"Không ngờ hôm nay tôi chẳng làm đẹp lòng quý vị được. Mong mọi người hiểu và lượng thứ cho hoàn cảnh của tôi vì sự đau ốm vốn không hẹn trước", ông vừa nói vừa cúi đầu trước khán giả.
Danh ca cũng cho biết thấy áy náy với "bầu" show Gia Bảo - người dàn dựng chương trình - vì không trình diễn đúng phong độ. Khi nghe lời xin lỗi của ông, khán giả vỗ tay, bày tỏ thông cảm cho tình hình sức khỏe của nghệ sĩ.
Đạo diễn Gia Bảo cho biết trước khi về nước vài ngày, Minh Cảnh bị ngã, đi lại phải có người dìu. Sau liveshow đầu hôm 15/7, danh ca bình phục dần, nhận lời tiếp tục hát theo mong mỏi của khán giả nhiều nơi. Thời tiết thay đổi, trái múi giờ khiến ông lâm bệnh bất ngờ vài ngày trước đêm diễn thứ hai.
Dù vậy, nghệ sĩ nỗ lực hoàn thành tất cả tiết mục suốt đêm diễn dài hơn ba giờ. Do không thể di chuyển, ông chủ yếu ngồi trên ghế để hát cùng khách mời. Minh Cảnh tái hiện những bản tân cổ, trích đoạn từng làm nên tên tuổi suốt sáu thập niên vào nghề. Với Tu là cội phúc (Viễn Châu) - một trong những bài đầu tiên giúp ông vang danh, Minh Cảnh trình diễn cùng nghệ sĩ Vũ Luân. Nghệ sĩ vẫn giữ làn hơi ổn định, lên, xuống đúng nhịp đàn. Vừa hát, ông vừa lắng nghe Vũ Luân thể hiện, có lúc vỗ tay tán thưởng khi đàn em xuống vọng cổ mượt mà.
Với nghệ sĩ Thanh Tuấn, ông song ca bản Sầu vương ý nhạc (Viễn Châu). Êkíp dàn dựng ca cảnh theo nội dung bài hát, Minh Cảnh ngồi sau lưng một tài xế xe ôm, hát về những phận đời mưu sinh giữa "quê nghèo áo nhuộm màu sương gió". Nghệ sĩ cũng hát cùng Trọng Hữu bài Quán nửa khuya - bản tân cổ ca hai từng thu đĩa 30 năm trước.
Hai trích đoạn tuồng kinh điển được êkíp chọn làm điểm nhấn của chương trình. Danh ca tái hiện vở Tấm lòng của biển (Hà Triều - Hoa Phượng) - tác phẩm ông từng thu âm cùng các tên tuổi kỳ cựu như Thanh Nga, Thành Được, Út Bạch Lan. Khi dựng lại, nghệ sĩ đóng vai ông giáo Oanh, chồng bà vú Hai (Thanh Hằng đóng). Ngày trước, chồng bị tù đày, bà không nuôi nổi con, đành đem cho gia đình người khác, còn bà xin làm vú, âm thầm theo dõi con trưởng thành. Khi gặp lại, ông Oanh đề nghị bà nói thẳng sự thật với con gái, nhưng bà Hai van xin ông giữ im lặng để cô được hạnh phúc.
Với trích đoạn Máu nhuộm sân chùa (Yên Lang), Minh Cảnh hội ngộ Lệ Thủy, khắc họa chuyện tình Trần Tự Tâm - Bạch Thiên Nga. Tiết mục xếp cuối chương trình, khi Minh Cảnh đã hát khá nhiều, danh ca vẫn liên tục lấy tiếng vỗ tay của khán giả nhờ lối diễn nhiệt huyết. Lệ Thủy cho biết vốn mang ơn đàn anh nên nhận lời diễn trong liveshow. Thời trẻ, sau khi nổi tiếng, bà đi diễn nhiều nên không có thời gian thu âm, vắng bóng dần trong làng băng đĩa. Ông từng giới thiệu bà cho các hãng đĩa, giúp bà lấy lại vị trí giọng ca cải lương hàng đầu.
Khi Minh Cảnh kết thúc tiết mục cuối, nhiều khán giả lên sân khấu, chụp ảnh lưu niệm cùng nghệ sĩ gạo cội. Phúc Tiến (45 tuổi) nói sau khi bỏ lỡ liveshow đầu, anh liền tìm mua vé để cùng mẹ nghe thần tượng một thời hát. Dù chất giọng danh ca bị ảnh hưởng vì tuổi tác, khán giả này cho biết vẫn thấy thỏa mãn bởi lối hát, đài từ của ông vẫn giàu cảm xúc như trong băng. Phúc Tiến nói: "Ông hát mà tôi nghèn nghẹn, nhớ lại những năm 1990, nghe những bài tân cổ qua chất giọng của ông hay Minh Phụng, Minh Vương, Lệ Thủy trên đài cassette".
Minh Cảnh tên thật là Nguyễn Văn Cảnh, sinh ra trong một gia đình nghèo đông con tại Chợ Lớn, Sài Gòn. Ông trải qua tuổi thơ cơ hàn, phải lăn lộn vào đời sớm để mưu sinh, như đi lượm ve chai, bán bánh cam, chuối chiên. Năm 1959, vốn mê hát cải lương, Minh Cảnh được ông Hai Sĩ dạy ca vọng cổ, sau đó được nghệ sĩ vĩ cầm Văn Được hướng dẫn ca tài tử. Năm 1960, ông theo hát ở đoàn Kim Chung.
Thập niên 1960-1970, ông nổi tiếng khi hát các làn điệu vọng cổ của cố soạn giả Viễn Châu. Ông lập đoàn hát và kiêm diễn các vai kép chánh, tỏa sáng rực rỡ với những tuồng cải lương Bên cầu vọng thê, Manh áo quê nghèo, Bích Vân cung kỳ án, Trinh nữ lầu xanh, Lời thơ trên huyết, từ đó được báo giới đương thời xưng tụng là "hoàng đế tuồng cổ".
Minh Cảnh sáng tạo ra trường phái ca làn hơi dài khi vô vọng cổ với nét đặc trưng là rõ chữ, chắc nhịp. Nhiều người lấy nghệ danh theo tên ông như: Minh Minh Cảnh, Minh Cảnh Em, Minh Minh Tâm, Minh Tiểu Cảnh, Minh Long Cảnh, Tuấn Cảnh, Minh Cảnh Hưng, Cảnh Minh, Cảnh Thăng, Cảnh Hiếu. Năm 2005, ông sang Mỹ định cư.
Mai Nhật