Chương trình đánh dấu liveshow đầu tiên trong đời ca hát của ông, sau hơn 60 năm theo nghề. Nghệ sĩ di chuyển khó khăn, cần người dìu vì bị ngã gần một tháng trước. Dù vậy, ông nỗ lực tự đứng, tiến tới gần hàng ghế công chúng để quan sát rõ hơn. Khi nghe Kim Tử Long - khách mời liveshow - cho biết nhiều người hâm mộ từ Hà Nội, Hội An (Quảng Nam) đến TP HCM để gặp gỡ ông, Minh Cảnh rơi nước mắt.
"Tôi xúc động trước thịnh tình của khán giả, trước cách nhà sản xuất nỗ lực làm liveshow cho tôi, để bảo tồn cải lương và cũng để anh em nghệ sĩ có dịp gặp nhau", Minh Cảnh nói.
Ngoài phong độ ca hát, Minh Cảnh chinh phục mọi người bằng lối giao lưu từ tốn, duyên dáng. Khi được hỏi về sức khỏe "liệu có sao không?", ông đùa: "Hôm nay diễn trong nhà, không phải ngoài trời nên chắc không thấy được sao". Danh ca cảm động trước cách khán giả vẫn dành tình yêu cho ca cổ. Ông nhớ đến câu nói của nghệ sĩ Chí Tâm - người em thân thiết: "Ở đâu có vọng cổ, ở đó còn gốc tích Việt Nam".
Nhiều nghệ sĩ xúc động thưởng thức màn trình diễn của Minh Cảnh. Thanh Tuấn nói từ lúc mới vào nghề năm 15, 16 tuổi, ông đã theo Minh Cảnh lưu diễn. Đến nay, ông vẫn nhớ hình ảnh "anh hai Minh Cảnh" hay ra đầu đình dạy các em cách ca, diễn đường quyền, thế kiếm để đóng tuồng kiếm hiệp. Sau này, Thanh Tuấn tiếp tục theo chân Minh Cảnh đi hát khắp nơi. Danh ca từng đóng kép chính, ông hát nhì, nhờ vậy Thanh Tuấn được chỉ bảo "không biết bao nhiêu điều".
Kim Tử Long cho biết "nổi da gà" và rơi nước mắt khi nghe Minh Cảnh hát. Dù cách nhau gần 30 tuổi, Kim Tử Long thường gọi danh ca là "anh Hai" vì sự thân tình. "Thế hệ tôi đến khi ngoài 80 tuổi liệu còn mấy người hát được như anh?", diễn viên nói.
Hàng trăm khán giả cổ vũ Minh Cảnh diễn, hát suốt ba giờ. Khán giả Thu Vân (33 tuổi) đi xem hát cùng mẹ và bà ngoại. Gia đình khán giả này mua vé trước một tháng, ngay khi hay tin Minh Cảnh về nước vì ngưỡng mộ ông từ thập niên 1970-1980. "Nghe ông hát, tôi mới hiểu rõ nội lực của các nghệ sĩ cải lương thời hoàng kim. Ngoài làn hơi dài đặc trưng, ông còn có cách sắp chữ rất điêu luyện, thế hệ sau này không dễ bắt chước", khán giả nói.
Đêm diễn tái hiện nhiều ca cảnh, trích đoạn tiêu biểu trong sự nghiệp danh ca. Mở đầu, ông cùng Kim Tử Long thể hiện bản ca cổ Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà (soạn giả Viễn Châu) - tác phẩm từng làm nên tên tuổi Minh Cảnh. Dù sức yếu, ông giữ chất giọng tốt với lối ngân luyến đặc trưng, làn hơi ổn định, nhịp chuẩn.
Có lúc, vì quá nhập tâm, ông quên chiếc chân đau, cố gắng di chuyển trên sân khấu để "phiêu" theo lời ca. Ở đoạn "xuống vọng cổ" kinh điển, ông liên tục được khán giả vỗ tay: "Trời ơi, bởi sa cơ giữa chiến truờng thọ tiễn/ Nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà".
Phần hai của chương trình, Minh Cảnh diễn lại trích đoạn Lưu Bình - Dương Lễ. Vở cải lương từng đưa ông lên đỉnh cao danh tiếng với câu vọng cổ 53 chữ. Từ vai Lưu Bình, ông đặt nền móng cho lối ca vọng cổ hơi dài, tạo ảnh hưởng đến loạt thế hệ sau. Danh ca mời hai đàn em Thanh Tuấn - vai Dương Lễ và Ngọc Huyền - vai Châu Long diễn cùng. Sau nhiều thập niên, vì tuổi tác, phần vọng cổ của Minh Cảnh trong tiết mục phải rút ngắn. Dù vậy, nhiều người "ồ" lên khi giọng ông vẫn vang, sáng trong âm sắc.
Tiết mục cuối là vở tuồng Bao Công xử án Quách Hòe, dựng lại theo bản thu âm nổi tiếng trước năm 1975. Ông tạo ấn tượng với nét uy nghi của một vị quan thanh liêm, chính trực. Có lúc, mải nhập vai, ông vung tay quá đà, loạng choạng suýt ngã. Tác phẩm gốc vốn ghi dấu với tiếng hát Minh Cảnh - vai Bao Công, cùng các nghệ sĩ Mỹ Châu, Thanh Tuấn, Thanh Kim Huệ, Chí Tâm. Khi tái dựng, ông đóng cùng nhiều nghệ sĩ đàn em như Chí Linh, Thanh Hằng, giọng ca trẻ Võ Minh Lâm, Nhã Thy.
Minh Cảnh tên thật là Nguyễn Văn Cảnh. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo đông con tại Chợ Lớn, Sài Gòn, trải qua tuổi thơ cơ hàn, phải lăn lộn vào đời sớm để mưu sinh, như đi lượm ve chai, bán bánh cam, chuối chiên. Năm 1959, vốn mê hát cải lương, Minh Cảnh được ông Hai Sĩ dạy ca vọng cổ, sau đó được nghệ sĩ vĩ cầm Văn Được hướng dẫn ca tài tử. Năm 1960, ông theo hát ở đoàn Kim Chung.
Thập niên 1960-1970, ông nổi tiếng khi hát các làn điệu vọng cổ của cố soạn giả Viễn Châu như Võ Đông Sơ, Lương Sơn Bá, Mưa trên phố Huế, Sầu vương ý nhạc, Chuyến xe lam chiều, Lưu Bình - Dương Lễ, Trái sầu riêng (với Mỹ Châu), Ni cô và kiếm sĩ (với Diệu Hiền). Ông lập đoàn hát và kiêm diễn các vai kép chánh, tỏa sáng rực rỡ với những tuồng cải lương Bên cầu vọng thê, Manh áo quê nghèo, Bích Vân cung kỳ án, Trinh nữ lầu xanh, Lời thơ trên huyết, từ đó được báo giới đương thời xưng tụng là "hoàng đế tuồng cổ".
Minh Cảnh sáng tạo ra trường phái ca làn hơi dài khi vô vọng cổ với nét đặc trưng là rõ chữ, chắc nhịp. Nhiều người lấy nghệ danh theo tên ông như: Minh Minh Cảnh, Minh Cảnh Em, Minh Minh Tâm, Minh Tiểu Cảnh, Minh Long Cảnh, Tuấn Cảnh, Minh Cảnh Hưng, Cảnh Minh, Cảnh Thăng, Cảnh Hiếu. Năm 2005, ông sang Mỹ định cư.