Lệ Thu - tượng đài của lịch sử tân nhạc Việt Nam - qua đời qua đời ở tuổi 78 ở Mỹ vì Covid-19. Nhiều khán giả, đồng nghiệp chia sẻ nỗi buồn vì tiếng hát "vàng mười" một thuở đi xa. Ca sĩ Quang Thành - người gần gũi danh ca nhiều năm - nể phục Lệ Thu vì tính cách độc lập trong công việc, cuộc sống. Trải qua ba cuộc hôn nhân đổ vỡ, Lệ Thu sống một mình bên Mỹ. Bà cô đơn nhưng chẳng bao giờ tỏ cùng ai. Trước khi nhập viện hai tháng trước, bà vẫn tự lái xe, không phiền con cái.
"Mỗi lần về nước hát, Lệ Thu không cần ban tổ chức cử người hỗ trợ. Đáp máy bay xuống, chị tự đến chỗ tập. Ở hậu trường, chị ngồi cùng ê-kíp, không bao giờ đòi hỏi có phòng trang điểm riêng. Chị cũng khá thoải mái chuyện cát-xê", Quang Thành nói. Lúc rảnh rỗi, ngồi trên máy bay hay ôtô, Lệ Thu thường tranh thủ đọc sách. Bà thích tiểu thuyết trinh thám của Sydney Sheldon, Stephen King... Với văn học Việt Nam, bà thích Vũ Thư Hiên - tác giả cuốn Miền thơ ấu.
Lệ Thu thân thiện với đàn em, thích được các ca sĩ thế hệ sau gọi là chị. Cách nhau vài chục tuổi nhưng Đức Tuấn luôn thấy bà gần gũi bởi lối trò chuyện hóm hỉnh, xởi lởi. Bà hay cười, cho người đối diện cảm thấy ấm áp. Trên sân khấu, bà thường tếu táo, thỉnh thoảng kể chuyện cười hay ngâm nga mấy câu hát chế.
Lệ Thu không nề hà chuyện hát với ai, kể cả những ca sĩ mới vào nghề. Tuấn Ngọc kể năm 1971, khi anh mới ngoài 20 tuổi, Lệ Thu là người đầu tiên mời anh hát trong cuốn băng Tứ quý do bà sản xuất. Bà chỉ dẫn anh lúc thu âm, thậm chí phê bình anh nói tiếng Việt chưa chuẩn, hát còn ngọng nghịu. Ngoài giờ tập, danh ca thoải mái đi xem phim, nghe nhạc với đàn em. Trong lần về nước biểu diễn năm 2014, Lệ Thu quen Phương Thanh, ngồi sau xe máy của cô đi dạo khắp Sài Gòn, vào chợ Bến Thành chọn vải may áo dài. Bạn thân Lệ Thu - anh Duy Thạch - nói danh ca vô tư nhưng tỉ mỉ, chu đáo với bạn bè, người thân: "Khi tôi mổ túi mật, cô dặn dò kỹ ăn uống bồi bổ thế nào, kiêng cữ ra sao".
Trong công việc, Lệ Thu nghiêm túc, chỉnh chu. Bà thường chọn bài khó, nhiều quãng rộng, đòi hỏi có thể lực tốt, kỹ thuật chắc. Năm 2009, nhà văn Trương Quý mua vé xem đêm nhạc của Lệ Thu ở một phòng trà tại Sài Gòn. Anh nhớ nghệ sĩ đến từ sớm, lúc chương trình chưa bắt đầu. Khi các ca sĩ hát lót biểu diễn, bà cầm tập bản nhạc, chăm chú ngồi một góc nghiên cứu, như một học trò đang ôn bài.
Lên sân khấu, bà chiều lòng khán giả. Trương Quý nhớ trong đêm nhạc, người hâm mộ yêu cầu hát Mùa thu trong mưa của Trường Sa, ban đầu Lệ Thu xin lỗi vì chưa tập bài, không nhớ lời. Nhận được một tờ giấy chép ca từ do khán giả gửi lên, bà vui vẻ hát. Bà cũng thường mải giao lưu đến nỗi có lần, Quang Thành ở trong cánh gà phải nhắc vọng ra: "Chị Lệ Thu hát đi". Bà nghe bập bõm hai từ "Thu hát", tưởng anh nhắc hát bài Thu hát cho người của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Nghe bà giới thiệu, ban nhạc bất ngờ nên đệm không khớp. Vào cánh gà, bà trách: "Sao lại 'chơi' Thu như thế!". Nghe anh giải thích, bà cười xuề xòa.
Quang Thành kể Lệ Thu đặc biệt thích biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, vì khán giả nhiệt thành, chăm chú tựa như những tín đồ. Mỗi lần biểu diễn, Lệ Thu hay chọn những bài như Mùa thu chết (Phạm Duy), Mùa thu trong mưa (Trường Sa), Nhìn những mùa thu đi (Trịnh Công Sơn)... Bà yêu nét lãng mạn, buồn man mác của thu Hà Nội. Danh ca có tâm nguyện tổ chức một đêm nhạc riêng ở "thánh đường" Nhà hát Lớn.
Giọng hát tuyệt sắc là điều nhiều đồng nghiệp, khán giả nhớ về Lệ Thu. "Chị có một giọng hát quá đẹp, quá ấm, dù lên cao hay xuống thấp, nghe tự nhiên nhưng kỹ thuật lại thượng thừa", Thanh Hà nói. Khi mới vào nghề, ước mơ của Thanh Hà là được hát bè cho đàn chị. Đức Tuấn ngưỡng mộ chất giọng trầm dày của Lệ Thu. Với mỗi ca khúc, bà luôn thể hiện theo một cách riêng, không lẫn với ai.
Nhà văn Trương Quý cảm nhận sau tuổi 70, Lệ Thu không còn lên được cao như khi thu âm các băng đĩa thời trước nhưng cách nhả chữ vẫn ngọt ngào, nắn nót. Những chỗ rung và luyến láy của bà tựa như tiếng nức nở. Khi hát nhạc buồn, bà đắm chìm trong cảm xúc, mỗi cái nhắm mắt, nhíu mày đều hiện lên những nỗi đau mơ hồ.
Cách hát trau chuốt của Lệ Thu khiến Trương Quý cảm nhận bà như ngôi sao đã qua thời vang bóng nhưng vẫn cố giữ hình ảnh không tuổi. "Tiếng hát não nùng như một cuộc tra vấn về những giá trị đã thành hình, lên ngôi rồi đã thoái vị, giống câu hát trong bài Hương xưa của Cung Tiến: 'Thời hoàng kim xa quá chìm trong phôi pha'. Nhưng thôi, kiếp người có một thời đắm đuối say mê, trước khi qua đời vẫn được đắm đuối là một kiếp nhiều người mong mà không được", Trương Quý nói.
Nhật Thu Dung