- Cảm xúc của ông khi học trò Bruce Liu chiến thắng cuộc thi piano quốc tế Fryderyk Chopin lần thứ 18?
- Hai ngày qua, tôi chỉ ngủ được vài tiếng vì bận tham gia gala bế mạc ở Ba Lan, trả lời truyền thông. Tôi mệt nhưng lâng lâng vì vui sướng. Người hâm mộ ở Canada - nơi tôi định cư - bùng nổ bởi năm nay, tôi dẫn dắt hai học trò nước này vào top 6, trong đó có một quán quân. Đây là thành quả cho nỗ lực luyện tập của thầy trò tôi suốt mùa hè vừa qua. Dù chuẩn bị cẩn thận, tôi cũng không dám mơ đến kết quả cao như vậy. Khi biết tin, tôi muốn đăng ảnh chụp chung với hai trò lên trang cá nhân nhưng ngỡ ngàng vì chẳng có tấm nào.
- Ông nghĩ yếu tố nào giúp học trò của mình thành công?
- Năm 2015, tôi có ba trò đoạt giải nhì nên học sinh đổ xô học tôi rất đông. Kỳ liên hoan này, tôi dẫn một "tiểu đội" gồm sáu thí sinh. Ngoài hai nghệ sĩ trẻ người Canada, các học trò khác của tôi mang quốc tịch Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc. Từ tháng 7, khi Canada mở cửa trở lại cho người nước ngoài nhập cảnh, tôi bắt đầu luyện thi. Tôi hay nói đùa lớp học của mình là "trại Olympic Chopin" ở Montreal.
Tôi yêu cầu học sinh tập chăm chỉ, tổ chức thi thử hàng tuần, với luật lệ tương tự cuộc thi thật. Tôi nghĩ cái khó nhất của người dạy nghệ thuật là hiểu và tôn trọng cá tính của học trò. Tôi không gò ép các em theo tiêu chuẩn của mình mà khuyến khích sáng tạo. Các giám khảo nhận xét sáu học trò của tôi mỗi người một vẻ. Tôi hay ví quán quân Bruce Liu và J J Bui - top 6 - như mặt trời và mặt trăng. Bruce Liu giàu năng lượng, bùng nổ trong khi J J Bui nhẹ nhàng, điềm đạm, có nét giống tôi hơn.
- Việc ông cũng là thành viên giám khảo có tác động gì đến kết quả?
- Ban giám khảo có 17 người, chọn thí sinh đi tiếp theo hình thức bỏ phiếu. Hầu như vị nào trong số đó cũng đều dẫn vài em đi thi nên quy định thầy không được phép bình chọn cho trò. Lá phiếu của họ sẽ được tính bằng điểm trung bình cộng của 16 người còn lại trong hội đồng.
Năm nay, chúng tôi chấm rất đau đầu bởi trình độ thí sinh đều nổi trội. Sau một năm cuộc thi bị hoãn vì dịch, các em có thêm thời gian tập luyện, chuẩn bị kỹ lưỡng nên ngang sức ngang tài.
- Ông đánh giá thế nào về Việt Trung - đại diện Việt Nam ở cuộc thi?
- Sau thành tích của tôi từ năm 1980, đến nay Việt Nam mới có thí sinh dự chung kết, thậm chí vào đến vòng hai. Đó là một thắng lợi. Việt Trung có nền tảng tốt nhờ được học tập ở Ba Lan, thấm nhuần âm nhạc của Chopin. Cậu là học trò của nghệ sĩ Katarzyna Popowa-Zydron - trưởng ban giám khảo nhưng có học phụ đạo tôi một số buổi. Tôi vì thế cũng không được bỏ phiếu cho Trung.
Nhiều người trẻ thích chơi đàn kiểu bóng bẩy, hoa mỹ nhưng Trung chú trọng chiều sâu, nhờ vậy gây thiện cảm rất tốt với ban giám khảo ở vòng đầu. Tôi thấy Trung luôn nỗ lực, tính chuyên nghiệp rất cao, sẽ còn tiến xa trong tương lai.
Tôi luôn mơ đến ngày một người Việt thứ hai đăng quang. Những năm qua, khi giảng dạy ở Canada, Mỹ, tôi từng tiếp xúc một số học trò Việt Nam nhưng tài năng của các em chưa bật hẳn lên. Thời gian tới, tôi và Nguyễn Việt Trung ấp ủ mơ ước cùng thực hiện các dự án như tổ chức festival, giảng dạy, thành lập hội âm nhạc Chopin ở Việt Nam, với hy vọng tìm ra nhiều tài năng mới.
- Ông nghĩ nền âm nhạc cổ điển trong nước hiện cần đầu tư gì để bắt kịp thế giới?
- Mấy chục năm qua, âm nhạc cổ điển Việt Nam có phát triển nhưng còn chậm. Ngoài các cơ sở đào tạo nhà nước, nhiều trung tâm tư nhân mọc ra nhưng mới ở dạng phổ cập âm nhạc. Chuẩn đầu ra trong nước nhìn chung vẫn thấp so với mặt bằng quốc tế. Vì thế, nhiều tài năng chọn cách sang nước ngoài học tập, đa số các em thuộc những gia đình có điều kiện, tự túc lo chi phí. Tôi nghĩ những bạn được đi du học sớm cũng tốt, có thể tiếp thu kiến thức, trở về phục vụ công tác đào tạo ở quê hương. Tôi cũng từng nỗ lực tham gia tổ chức cuộc thi piano quốc tế ở Việt Nam, kéo giám khảo nước ngoài chấm giải.
Một số nghệ sĩ trẻ như anh em Lưu Hồng Quang, Lưu Đức Anh nỗ lực đóng góp cho nền âm nhạc cổ điển nước nhà. Lưu Đức Anh gần đây mở trung tâm dạy piano cho các em nhỏ, đó là dấu hiệu rất tốt. Tôi nghĩ điều nước ta cần là những nghệ sĩ chuyên nghiệp, chuyên tâm với nghề, vô tư cống hiến, sau đó mới tính đến ai hơn ai, giỏi đến đâu.
- Cuộc thi năm nay để lại trong ông kỷ niệm gì?
- Tôi nhớ nhất giây phút biểu diễn cùng ba quán quân Chopin trong đêm khai mạc. Lần đầu tôi lên sân khấu sau một năm vì dịch, tâm trạng háo hức, cảm xúc dạt dào nên vô cùng thăng hoa.
Tôi cũng choáng ngợp khi năm nay ban tổ chức phát trực tiếp các buổi thi, số lượng người theo dõi lên đến hàng triệu. Từ khi liên hoan chưa kết thúc, nhiều gương mặt đã được khán giả nhớ và yêu mến. Công nghệ đã mang đến rất nhiều ích lợi. Các em giờ còn có lợi thế hơn chúng tôi ngày xưa rất nhiều, có thể tìm bài vở, sách nhạc dễ dàng chỉ sau một cú nháy chuột.
- Ông nhớ gì về thời chinh chiến cuộc thi 41 năm trước?
- Hồi ấy, tôi đang là sinh viên Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky (Nga), một thân một mình đến Ba Lan. Tiếng Anh bập bẹ, tôi không giao tiếp với ai, lại không có thầy giáo, gia đình hay bạn bè chỉ bảo. Tôi nghĩ mình chiến thắng nhờ tâm lý vững vàng. Trong khi các thí sinh khác quá áp lực, để tâm chuyện thắng - thua, tôi phớt lờ tất cả. Ngoài thời gian thi, tôi giam mình ở khách sạn, nhờ ban tổ chức thông báo nếu đi tiếp. Đêm chung kết, dù là lần đầu tiên độc tấu ở sân khấu lớn, tôi tự tin, thoải mái và chơi rất "phiêu". Tôi nghĩ mình đã chiến đấu với tinh thần đại diện Việt Nam.
Sau khi đoạt giải, từ một cậu sinh viên "quèn" suýt bị loại vì hồ sơ không có thành tích, tôi áp lực vì đối diện vinh quang. Hồi ấy, tôi từng nghĩ giá như mình được giải nhì thì sẽ ít bị chú ý, trách nhiệm bớt nặng nề hơn. Vì thế, tôi từ chối nhiều lời mời biểu diễn, chuyên tâm rèn luyện thêm ba năm ở Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky. Tôi nghĩ đó là quyết định đúng đắn trong đời.
Hà Thu