![]() |
Julian Assange. Ảnh: AP |
Sau khi chấp nhận thách thức các thế lực bằng việc tung ra hàng loạt bí mật nhạy cảm qua trang Wikileaks từ tháng 7 vừa qua, cuộc sống Julian Assange bắt đầu đối mặt với vô số mối đe doạ. Khi đó anh quyết định tìm tới Thụy Điển, nơi nổi tiếng với nền tự do báo chí rộng mở với niềm hy vọng về miền đất hứa để tiếp tục công việc đầy mạo hiểm của Wikileaks. Nhưng chính tại đây, Assange đối mặt với một cuộc truy đuổi mới và không liên quan đến những việc làm của trang web này.
Cáo buộc từ Thụy Điển
Cáo trạng do phía Thụy Điển cung cấp để Interpol phát lệnh truy nã Julian Assange trên phạm vi toàn cầu bao gồm những cáo buộc tội cưỡng hiếp và quấy rối hai cô gái người Thụy Điển, những nạn nhân được gọi tắt là A và W, trong các vụ việc xảy ra hồi tháng 8 vừa qua.
Cụ thể người sáng lập Wikileaks bị buộc tội đã sử dụng sức nặng cơ thể để cưỡng hiếp cô A, quan hệ tình dục không có phương tiện bảo vệ khi nạn nhân yêu cầu sử dụng bao cao su và gạ gẫm nạn nhân này "theo cách xâm phạm quyền tự do và toàn vẹn về tình dục". Bên cạnh đó là cáo buộc Assange quan hệ tình dục với cô gái thứ hai có tên W khi nạn nhân này đang ngủ.
Trao đổi với báo chí trước khi bị bắt, Julian Assange từng nhắc lại thời điểm đầu tiên anh đặt chân tới Thụy Điển được chào đón như người hùng và tung hê là "James Bond của nền báo chí". Nhưng theo anh chính sự chào đón này đã khiến anh gặp rắc rối khi vướng vào quan hệ với hai cô gái người địa phương. Họ là người liên quan đến các cáo buộc khiến Assange bị bắt tại London theo lệnh truy nã quốc tế.
Tuy nhiên, người sáng lập Wikileaks một mực phủ nhận các cáo buộc trên và cho rằng đây chỉ là một vụ đã được dàn xếp nhằm tấn công vào hoạt động của trang web đang gây chấn động do anh sáng lập. Trong khi đó, bất chấp những cáo buộc tội danh được coi là "bẩn thỉu" này, người ta vẫn biết đến Julian Assange chủ yếu qua những tiết lộ của trang Wikileaks. Điều này thể hiện qua việc anh đang dẫn đầu danh sách Top 10 người được bình chọn là "gương mặt của năm" do tạp chí Time chủ trì, bên cạnh những tên tuổi như Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Khi bị bắt tại London và ra toà tại đây vì các cáo buộc tội danh trên, Assange có quyền tự bào chữa để chống lại lệnh dẫn độ về Thụy Điển. Trong khi đó, việc anh bị tạm giam có liên quan đến hệ thống phát lệnh bắt giữ khẩn cấp áp dụng cho toàn châu Âu, dựa trên khái niệm rằng tất cả các nước tham gia đều có hệ thống tư pháp cùng tiêu chuẩn và tôn trọng đầy đủ quyền con người.
Vì vậy nếu Julian Assange muốn tránh việc bị dẫn độ từ Anh về Thụy Điển, hai nước cùng tham gia hệ thống bắt giữ khẩn cấp nói trên, anh cần phải chứng minh được rằng lệnh bắt giữ nhằm vào bản thân là mang động cơ chính trị. Trước đây đã từng nhiều trường hợp thành công giúp một số bị cáo người Nga không bị dẫn độ từ Anh về nước theo cách tương tự.
Ngoài ra, Assange cũng có thể viện dẫn những tranh luận về mặt kỹ thuật pháp lý để tránh lệnh dẫn độ. Theo đó anh có thể phản bác rằng lệnh bắt nhằm vào mình không chỉ ra được bất cứ điều luật cụ thể nào mà anh vi phạm. Tuy nhiên hầu hết những sai sót về mặt kỹ thuật này cuối cùng đều có thể được giải quyết và lệnh bắt sẽ được ký lại. Do vậy việc Assange có nguy cơ bị dẫn độ về Thụy Điển và đối mặt với án tù tại đây là không nhỏ.
Đồng minh của Assange
Trong khi đó, Julian Assange không rơi vào cảnh đơn độc vì một số "mạnh thường quân" như đạo diễn người Anh Ken Loach đã đề nghị tặng 20.000 bảng Anh mỗi người để bảo lãnh tại ngoại cho anh. Tuy nhiên, thẩm phán toà án tại London đã từ chối cho người sáng lập Wikileaks được tại ngoại, với lý do lo ngại anh sẽ có thể bỏ trốn. Như vậy Assange sẽ bị tạm giam cho đến phiên toà diễn ra vào tuần sau để quyết định việc dẫn độ.
Hơn nữa, vì là một công dân Australia nên các nhà ngoại giao xứ sở chuột túi cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ Julian Assange về mặt lãnh sự. Nhưng bản thân người sáng lập Wikileaks từng chỉ trích chính phủ quê nhà đã quay lưng lại với anh bằng cách ủng hộ Mỹ chỉ trích Wikileaks cung cấp thông tin bí mật ngoại giao là hành động "vô trách nhiệm".
Luật sư của Assange là Mark Stephens cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực để thân chủ của mình được tại ngoại. Ông cáo buộc việc bắt người sáng lập trang Wikileaks mang "động cơ chính trị" và nhấn mạnh trang này sẽ vẫn tiếp tục tung ra các tài liệu mật mà họ có, bất chấp việc Assange bị tạm giam. Phát ngôn viên Wikileaks Kristinn Hrafnsson cũng coi việc bắt giữ Assange vì tội cưỡng hiếp là "đòn tấn công vào tự do báo chí".
Trong khi đó, phát ngôn viên chính phủ Anh tuyên bố nhìn nhận vụ bắt giữ Assange là "vấn đề của cảnh sát" nên sẽ không có bất cứ sự can thiệp nào từ cấp cao. Các công tố viên Thụy Điển thì nhấn mạnh việc họ yêu cầu dẫn độ Assange chỉ là vấn đề liên quan đến bộ luật hình sự và "không chịu bất cứ sức ép chính trị hay sức ép nào khác".
Ngay trước khi bị bắt, Julian Assange "nhắn nhủ" rằng các chính phủ trên khắp thế giới "không nên bắn chết sứ giả". Cựu hacker khét tiếng này nhấn mạnh Wikileaks xứng đáng được bảo vệ vì đã tạo ra "nền báo chí khoa học", trong đó cho phép độc giả được tự nghiên cứu những tài liệu và bằng chứng gốc. "Các xã hội dân chủ cần một nền báo chí mạnh và Wikileaks là một phần của nền báo chí đó", Assange nhấn mạnh.
Bên cạnh việc Julian Assange bị truy đuổi vì cáo buộc tại Thụy Điển, Mỹ cũng đang tiến hành điều tra hình sự nhằm vào Wikileaks với cáo buộc trang web này vi phạm Luật tình báo Mỹ. Nhưng có luồng ý kiến cho rằng rất khó có thể đưa Wikileaks và những người chịu trách nhiệm ra toà vì lý do này. Hơn nữa những tờ báo lớn như New York Times khi đăng tải những tài liệu do Wikileaks công bố cũng có thể bị coi là phạm luật nếu trang web này bị truy tố.
Đình Nguyễn