Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng ngày 22/9, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ sửng sốt trước thông tin Bộ Công Thương cắt giảm 675 trong hơn 1.220 điều kiện kinh doanh chỉ trong thời gian ngắn rà soát. Con số này cũng được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương. Nhưng ông cũng băn khoăn khi "mới soi một tý Bộ đã cắt hơn 55% điều kiện kinh doanh, nghĩa là hệ thống giấy phép con ở ta quá nhiều, bất hợp lý", và đặt câu hỏi "những điều kiện kinh doanh tiếp theo sẽ thế nào?".
Nhấn mạnh “đây không phải chúng ta cào cấu nhau ra để kiểm điểm, mà là phát hiện vấn đề để chỉnh sửa; không chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà còn để bảo đảm sự quản lý của Nhà nước cho nghiêm minh, hiệu quả”, ông Thiên lưu ý, "cái cần là chất lượng chứ không để tiếng những điều kiện kinh doanh còn lại là “thiên thần” và doanh nghiệp nói “chỉ cắt những cái râu ria chẳng có ảnh hưởng gì”.
Đi cùng với cải cách thủ tục là phải cải cách bộ máy. “Cơ chế thế nào bộ máy thế ấy, chứ không phải bộ máy thế nào cơ chế thế ấy. Chúng ta không sinh ra bộ máy rồi mới soạn ra cơ chế để bộ máy đó có đủ việc làm”.
Đáp lại những hoài nghi này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh là tổng hợp của cả một quá trình, qua rất nhiều vòng rà soát, làm việc lấy ý kiến các doanh nghiệp, các hiệp hội, địa phương...
“Đây không phải là phiêu lưu chính trị, phiêu lưu về công tác chuyên môn của Bộ Công Thương. Chúng tôi không phải cố một con số nào đó để gây ấn tượng”, Bộ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành Công Thương cũng cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục tiến hành tái cơ cấu, tinh giảm bộ máy, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, hướng ra kinh tế thị trường. Bộ cũng sẽ "ngồi lại" cùng một số bộ ngành để tìm tiếng nói chung, tránh sự chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành với doanh nghiệp.
Đồng ý giải quyết tình trạng chồng chéo là khó, nhưng theo ông Trần Đình Thiên đã tới lúc phải "nói thẳng, thật với nhau rằng tồn tại chồng chéo không gỡ được bất cập". Ông đề nghị giao trách nhiệm cho một bộ chủ trì, đưa ra quy trình cụ thể.
“Tôi cho rằng, phải có điều kiện ràng buộc, chế tài rõ ràng giữa ông chịu trách nhiệm chính với ông phối hợp, chứ nếu không doanh nghiệp vẫn 'ăn đòn' như thường”, ông Thiên nhấn mạnh.
Khẳng định một lần nữa sự "cố gắng mạnh mẽ của Bộ Công Thương, cá nhân Bộ trưởng" trước động thái kiên quyết giảm thủ tục không cần thiết, song Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lưu ý cơ quan này, tiếp tục rà soát giảm bớt danh mục thuộc diện kiểm tra chuyên ngành và đẩy mạnh việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro.
Anh Minh