Tôi thấy gần đây đang nổi lên những hình ảnh khách đến chơi Đà Lạt nhưng khoe hình chụp ở Thụy Sĩ. Một bức ảnh mà nhiều người nói rằng nó "phông bạt" theo đúng nghĩa đen.
Khách quan mà nói, đây chỉ là những bức ảnh vui. Bây giờ, khi đi du lịch đâu đó, bên cạnh trải nghiệm, thưởng cảnh thì nhiều bạn trẻ cũng rất chú trọng vào việc chụp ảnh để được nhiều like.
Tất nhiên, phông bạt Thụy Sĩ giữa lòng Đà Lạt chỉ là những bức ảnh vui. Vấn đề là những người sử dụng chúng để câu view, và đằng sau đó, thứ khiến cộng đồng quan tâm nhất là chuyện review các điểm du lịch trên mạng không đúng như thực tế.
Trước đây, trên diễn đàn từng có bài chia sẻ trải qua khổ ải khi đi du lịch vì tin vào một bài review trên mạng. Còn xung quanh, tôi thấy khá nhiều trường hợp hụt hẫng khi đi du lịch vì tin vào những bức ảnh review "lừa tình".
Tôi nhiều lần rơi vào hoàn cảnh như vậy. Năm 2015, có dịp xuống thủ phủ miền Tây, tôi háo hức, tìm đọc nhiều bài review và xem ảnh ăn hủ tíu, uống cà phê trên sông chợ nổi. Nhưng khá thất vọng khi đến nơi, hỏi người địa phương, chẳng ai ủng hộ tôi đi chợ nổi cả vì "bây giờ cũng chán lắm".
Đó là câu chuyện 10 năm trước, khi nghề review du lịch mới chớm nở, mà tôi đã bị hố hàng như thế rồi.
Hoặc trường hợp bạn bè tôi cứ thấy trên mạng, chỗ nào có cây thông, cây phượng cô đơn là háo hức tìm đến chụp ảnh. Nhưng đến nơi, cây thì không đẹp "hùng vĩ" như trên mạng, người thì đông đúc chen lấn nhau... thấy là oải.
Một người bạn khác của tôi hay đi du lịch, quen biết rộng rãi, hầu như tỉnh nào cũng có bạn bè ở đó. Vì thế, mỗi lần trên mạng đang hot một địa điểm du lịch nào đó, là anh ấy đều nhắn hỏi bạn bè "có thật thế không". Ví dụ như một fanpage đăng "Mai anh đào đang bung nở sớm...", thì anh ấy dò hỏi bạn bè có đúng thật thế không, thậm chí đòi xin ảnh để chứng thực, trước khi đi.
Trong một khảo sát được công bố hồi đầu năm, hơn 80% khách du lịch châu Á Thái Bình Dương và 91% du khách Việt Nam đặt các dịch vụ du lịch dựa trên các đề xuất và đánh giá từ người sáng tạo nội dung. Trong đó, định dạng phổ biến nhất với người Việt là video (chiếm 63%) vì có sức hút trực quan mạnh mẽ, rồi đến hình ảnh.
Như vậy có thể thấy nhiều người trong chúng ta đang đi du lịch và quyết định đi thăm chỗ nào, ăn gì... đều tin vào review mạng với tỷ lệ khá cao. Nếu tin vào háo hức vào những video, hình ảnh chỉnh sửa "lừa tình", thì nguy cơ hụt hẫng là có.
Đã có rất nhiều ảnh trên mạng so sánh Tây Bắc đẹp như Tây Âu nhưng là để câu view vì toàn dùng photoshop. Vẻ đẹp của Tây Bắc Việt Nam, của Đà Lạt là hoàn toàn khác, mang nét riêng, không cần review tâng bốc, giả dối của những "KOL" nửa mùa.
>> Bạn từng thất vọng khi điểm du lịch không giống như review trên mạng? Chia sẻ bài viết tại đây.
Ngọc Vinh