Bùi Minh Đức, 30 tuổi, sinh viên ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Massachussetts, Mỹ, theo chương trình học bổng Fulbright do Chính phủ Mỹ tài trợ. Trong quá trình xin học bổng và du học Mỹ, Minh Đức cho rằng cần nhìn nhận thực tế hơn với giá trị hàng tỷ đồng của các học bổng.
So với khoảng 10 năm trước đây, tôi thấy hiểu biết về du học của phụ huynh và học sinh Việt Nam đã thực tế hơn rất nhiều. Du học không phải tấm thảm đỏ, trải trước mắt học sinh và đảm bảo một công việc tốt sau khi về nước, và những học bổng nhiều tỷ cũng không hoàn toàn màu hồng.
Tất nhiên, được bao nhiêu tiền học bổng cũng là đáng quý, nhất là với những trường có tỷ lệ cạnh tranh khốc liệt. Nhưng cũng phải chú ý rằng, giáo dục tại Mỹ là một lĩnh vực kinh doanh khổng lồ và trao học bổng cũng là một chiến lược của các đại học. Họ đã tính toán đủ kỹ để biết rằng nếu trao đi một hoặc nhiều tỷ đồng học bổng, lợi nhuận thu lại được có tương xứng hay không.
Thứ nhất, nếu đặt một tỷ đồng (như một con số minh họa) trong bức tranh toàn cảnh học phí của một trường đại học Mỹ, bạn sẽ thấy sự chênh lệch lớn.
Theo US News, số tiền trung bình một sinh viên phải trả cho học phí năm 2020-2021 tại các trường đại học tư thục khoảng 35.087 USD (hơn 820 triệu đồng), công lập 21.184 USD. Những trường danh tiếng, xếp hạng cao sẽ có học phí gấp 2-3 lần mức này. Tại Đại học Clark nơi tôi đang học thạc sĩ, học phí đại học khoản 50.000 USD một năm.
Các đại học thường cấp học bổng theo phần trăm, ví dụ 25-50% trong bốn năm, hoặc cho 100% trong năm đầu và những năm sau, sinh viên phải trả học phí. Mức độ hào phóng của học bổng cũng phụ thuộc vào danh tiếng của trường. Tôi thấy rằng học bổng tại các trường nhỏ, ít danh tiếng đa phần cao hơn so với những trường lớn.
Nhìn chung, với một tỷ đồng học bổng, chưa tính tới trường hợp học phí sẽ tăng theo từng năm, gia đình vẫn phải chi trả ít nhất ba tỷ nữa cho học phí bốn năm.
Cần phải nói thêm rằng, vẫn có trường hợp sinh viên nhận học bổng học phí toàn phần từ các trường đại học Mỹ. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh cho những suất học bổng này rất khắc nghiệt. Các học bổng chính phủ, thường tài trợ 100% học phí, chủ yếu ở bậc thạc sĩ.
Thứ hai, học phí thường chỉ chiếm 40-60% tổng chi phí du học, nên ngay cả khi có học bổng, số tiền thực tế các gia đình phải chi trả vẫn rất lớn.
Ngoài học phí, sinh viên sẽ phải chi trả lệ phí visa, vé máy bay, chi phí ăn ở, tài liệu học, tiền bảo hiểm, chi phí đi lại..., tùy vào khu vực mà du học sinh lựa chọn.
Ví dụ, tôi sống ở thành phố Worcester, bang Massachusetts. Worcester không phải một thành phố lớn như Boston kế bên nhưng bang Massachusetts nhìn chung có giá cả đắt đỏ. Đây được coi là một college town (thành phố tập trung nhiều trường đại học) nên nhiều chi phí cũng cao hơn. Nếu không ở ký túc xá của trường, sinh viên mất khoảng 600-900 USD tiền thuê nhà bên ngoài, 300-400 USD tiền ăn uống hàng tháng, chưa tính các chi phí sinh hoạt khác. Khoảng 1.500 USD được coi là cơ bản cho sinh hoạt phí sinh viên ở thành phố nơi tôi đang theo học.
Học bổng toàn phần học phí đại học đã khó, học bổng toàn phần chi trả cả sinh hoạt phí lại càng hiếm. Do đó khi cộng những con số trên lại, nhiều phụ huynh sẽ có một cái nhìn tương đối thực tế hơn về chi phí du học và nhận ra một tỷ học bổng mới chỉ là một phần của quãng đường du học dài.
Với nhiều trường đại học, thực tế việc cấp học bổng chỉ như một chính sách "giảm giá" sản phẩm để kích cầu người tiêu dùng - ở đây là phụ huynh và học sinh. Nó giống như một cuộc ngã giá bán hàng: Hai bên sẽ mặc cả qua lại cho đến khi tìm được con số chung thống nhất. Trên giấy tờ chính thức, cuộc thuơng lượng ấy được gọi tên "học bổng".
Bùi Minh Đức