Nếu các bạn đọc kỹ bài viết Bốn công nhân góp tiền mua ôtô đi làm cách nhà 7 km thì thấy hoàn toàn hợp lý.
Bắc Ninh là một tỉnh giáp ranh Hà Nội, không hề thua kém về điều kiện sống so, đặc biệt là so với những khu vực ngoại thành đang trong giai đoạn phát triển.
Với những gia đình anh em ruột hoặc có quan hệ họ hàng gần gũi, việc chung tay mua một chiếc ôtô tầm giá 200-300 triệu đồng là hoàn toàn khả thi. Điều này không chỉ giúp họ tiết kiệm chi phí so với việc sở hữu nhiều xe máy, mà còn mang lại sự tiện lợi khi di chuyển quãng đường ngắn chỉ khoảng 7km đến khu công nghiệp.
Việc lái xe trên những con đường quê thoáng đãng, không kẹt xe hay ngập lụt, rõ ràng là một lựa chọn hợp lý hơn so với cuộc sống chen chúc trong đô thị.
Cuộc sống ở Bắc Ninh hay các vùng quê có khu công nghiệp phát triển mang lại nhiều lợi thế. Người dân ở đây vốn đã giàu có từ lâu nhờ các làng nghề truyền thống nổi tiếng.
Họ không cần phải lên Hà Nội thuê trọ trong những căn phòng chật hẹp và đắt đỏ, khi ở quê họ có thể sống thoải mái trong những ngôi nhà vài ba tầng, có sân rộng rãi để xe. Cuộc sống như vậy không chỉ tiện nghi mà còn tiết kiệm hơn nhiều. Việc bám trụ tại quê nhà trong bối cảnh các khu công nghiệp ngày càng nhiều, mức lương tương đương và chi phí sinh hoạt hợp lý là quyết định dễ hiểu.
Trong khi đó, ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM, áp lực về chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng. Giá nhà đất tăng vọt, tiền thuê phòng trọ từ 2 triệu đồng trước đây đã nhảy lên 4 triệu đồng.
Các chi phí sinh hoạt thiết yếu như đi chợ hay học phí cũng tăng chóng mặt. Một bữa chợ tiêu chuẩn giờ đây mất 200 nghìn đồng, gấp đôi so với trước kia. Học phí từ vài chục nghìn đồng đã tăng lên đến hàng trăm nghìn đồng. Thu nhập của người lao động, đặc biệt là công nhân, lại tăng rất chậm, chỉ từ 5-7% mỗi năm - mức tăng không thể theo kịp đà leo thang của giá cả. Thậm chí, công việc tăng ca cũng không ổn định, khiến thu nhập thêm phần bấp bênh.
Với mức sống cao ngất ngưởng, nhiều người lao động nhận ra rằng việc rời thành phố để quay về quê hoặc các tỉnh công nghiệp là một lựa chọn hợp lý. Các khu công nghiệp tại tỉnh ngày càng nhiều, cơ hội việc làm không thiếu, mà lương lại tương đương. Thành phố lớn giờ đây chỉ còn thu hút những lao động làm trong lĩnh vực dịch vụ, còn những ngành nghề khác ngày càng kém hấp dẫn.
Trong bối cảnh đó, việc bám trụ ở quê với mức sống dễ chịu hơn, môi trường sống tốt hơn, và vẫn đảm bảo thu nhập ổn định là một quyết định đúng đắn. Điều này không chỉ mang lại cuộc sống chất lượng hơn mà còn giúp người lao động thoát khỏi những áp lực về chi phí cuộc sống.