Anh Trung cho biết sau khi Trung tâm đăng kiểm 2906V (huyện Thanh Trì) bị khám xét và khởi tố điều tra giữa tháng 1, anh bị công an tạm giữ 10 ngày cùng nhiều đồng nghiệp. 17 năm trong ngành, đó là cú sốc lớn với anh.
"10 ngày đó tôi bất an, chán chường, nhiều đêm không ngủ được. Ở bên ngoài, người thân không thể liên lạc, phải nhận tin qua công an, báo chí khiến vô cùng lo lắng", anh kể.
Sau khi tại ngoại, anh Trung được Cục Đăng kiểm Việt Nam bố trí làm việc tại Trung tâm 2901V - nơi 13 đồng nghiệp bị tạm giữ. Thi thoảng anh vẫn phải đến gặp cán bộ điều tra. "Mong ước lớn nhất bây giờ là được bình an", anh nói.
Cũng trong diện bị khởi tố và được tại ngoại, đăng kiểm viên Trần Tuấn Anh, công tác tại Trung tâm 2906V (huyện Thanh Trì), chia sẻ chưa bao giờ nghĩ sẽ vướng vòng lao lý. Khi nhận quyết định khởi tố, anh hoàn toàn suy sụp. Nỗi buồn và áp lực vẫn đè nặng ngay cả khi anh được cho tại ngoại.
Theo anh Tuấn Anh, mỗi đăng kiểm viên phụ trách một công đoạn, không phải vị trí nào cũng tiếp xúc với khách hàng nên không nhận được bồi dưỡng như nhiều người nghi ngờ. "Tôi đã phối hợp với cơ quan công an trong quá trình điều tra, tin tưởng họ sẽ xác minh công tâm, đúng người đúng tội", anh Tuấn Anh nói.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm 2901V, cho biết do nhiều cán bộ bị khởi tố và bắt giam nên đơn vị hiện chỉ còn 4 đăng kiểm viên, thay nhau làm việc trên một dây chuyền, kiểm định tối đa 70 xe mỗi ngày.
Theo ông Trường, những nhân viên đi làm sau khi bị khởi tố vẫn bị ảnh hưởng tâm lý, ảnh hưởng đến năng suất lao động. Trước đây, họ có thể làm liên tục đến 12h, chiều làm quá giờ, nhưng đến nay thường phải kết thúc trước 18h.
Phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm 2906V Hoàng Trung Liêm chia sẻ, đơn vị đóng cửa ngày 11/1 khi 6 nhân viên bị khởi tố, bắt tạm giam, 11 người được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú. Sau khi có ý kiến của công an, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã huy động 11 người được tại ngoại trở lại làm việc. Dù vậy, có người đang trong quá trình điều tra, có thể bị công an triệu tập bất cứ lúc nào.
"Tâm lý anh em rất buồn và đều mong trở lại làm việc bình thường. Họ rất đáng thương vì sự cố này không chỉ ảnh hưởng đến quá trình phấn đấu của cá nhân, mà đằng sau họ còn gia đình, con cái", ông Liêm nói, mong người dân thông cảm và chia sẻ với ngành vì người nào vi phạm, đã và sẽ bị pháp luật xử lý.
Đăng kiểm viên gắn bó hay chuyển nghề?
Anh Phạm Văn Huy, 34 tuổi, Phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 37-06D ở huyện Đô Lương (Nghệ An), nói rất buồn khi từ đầu tháng 2 tới nay 14 cán bộ, nhân viên tại các trung tâm đăng kiểm ở Nghệ An bị bắt và khởi tố. Người thân, bạn bè lo lắng cho anh, đặt câu hỏi "sắp tới có tiếp tục gắn bó với công việc này không hay chuyển nghề?".
"6 năm làm trong lĩnh vực đăng kiểm, bản thân phải cố gắng học hỏi rất nhiều, luôn làm đúng quy định nên tôi sẽ tiếp tục gắn bó lâu dài. Ai sai thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", anh Huy chia sẻ.
Anh cho biết, hai tháng qua, lượng phương tiện đến đăng kiểm tăng 100% so với trước đây. Do đó, nhân viên trung tâm luôn trong trạng thái mệt mỏi vì ngày nào cũng phải tăng ca tới hơn 19h. Dù thiếu nhân sự, trung tâm không tuyển được người trong nhiều tháng.
"Giám đốc và phó giám đốc phải đảm nhiệm thêm công việc của đăng kiểm viên", anh Huy nói, cho biết mức thu nhập của kiểm định viên trong đơn vị dao động 10-15 triệu đồng/tháng; lãnh đạo 16-17 triệu đồng/tháng, đã bao gồm tiền tăng ca.
Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước có 1.986 đăng kiểm viên làm việc trên toàn hệ thống, song 486 người đang bị điều tra sai phạm, tự nghỉ việc, khiến các trung tâm thiếu hụt nhân sự. Việc tuyển dụng cần nhiều thời gian.
Theo quy định, từ lúc thông báo tuyển đăng kiểm viên đến khi tổ chức thi tuyển, chấm điểm, công bố sẽ mất hai tháng. Sau đó, nhân sự được đào tạo, thực hành ít nhất một năm mới được thi cấp chứng chỉ đăng kiểm viên thường. Đăng kiểm viên bậc cao cần ít nhất 3 năm kinh nghiệm và phải vượt qua các kỳ sát hạch.
Ba tháng qua, công an cả nước liên tiếp điều tra sai phạm trong đăng kiểm. Nhà chức trách đã khám xét hơn 50 trung tâm, khởi tố gần 300 bị can với các tội danh: Nhận hối lộ, Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Giả mạo trong công tác và Sản xuất, mua bán công cụ, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật. Người có chức vụ cao nhất đến nay bị bắt về hành vi Nhận hối lộ là hai cựu cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà và Trần Kỳ Hình.