Khi hai ứng viên bước vào cuộc tranh luận lần hai hôm 9/10, họ đã phá vỡ truyền thống vì không bắt tay. Chuyên gia ngôn ngữ hình thể Patti Wood cho rằng việc này đáng chú ý vì cái bắt tay thể hiện "chúng ta đều bình đẳng và giờ chúng ta có thể chiến đấu". Cách mở đầu này đã ngay lập tức báo hiệu sự gay gắt của cuộc tranh luận. Ông Trump và bà Clinton cuối cùng cũng bắt tay, nhưng phải đến khi kết thúc cuộc tranh luận, theo Washington Post.
Theo chuyên gia Peter Collett, ngay từ đầu ông Trump đã bắt đầu một trò chơi quyền lực. Ông chậm rãi bước vào hội trường - chậm hơn so với bà Clinton. Các nhà tâm lý học đã khám phá ra rằng những người di chuyển và nói chậm thường được xem là quan trọng và mạnh mẽ hơn - những đặc điểm mà ứng viên đảng Cộng hòa rõ ràng đã cố gắng hết sức thể hiện trong suốt cuộc tranh luận.
Trump và Clinton bước vào hội trường
Khi bà Clinton trả lời câu hỏi của khán giả, bà thường đi về phía người đó, nhằm chứng tỏ rằng bà là người dễ gần và sẵn sàng tiếp xúc với mọi người - thủ thuật từng được ông Bill Clinton sử dụng khi tranh luận với ông George H. W. Bush.
Ông Trump thường đi qua đi lại, không chỉ khi ông trả lời câu hỏi mà ngay cả khi bà Clinton đang nói. Ông có khi còn đứng sau lưng bà Clinton ở khoảng cách khá gần, khi bà đang trả lời câu hỏi của khán giả.
"Ông Trump thể hiện hình ảnh người đàn ông mạnh mẽ", cây bút Karen Tumulty của Washington Post viết sau cuộc tranh luận.
David Givens, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao tiếp Không lời ở Washington, nói việc liên tục đi lại và các động tác của ông Trump có thể khiến khán giả mất tập trung vào những lời nói của bà Hillary, và có thể còn nhằm nhấn mạnh sự chênh lệch về thể hình, ám chỉ: "Tôi to lớn còn bà nhỏ bé".
"Ông Trump đi vòng quanh bà Clinton khi bà ấy đang trả lời. Ông ấy giống như một con sư tử: bắt đầu bằng một đòn vồ, sau đó giữ năng lượng tấn công bằng cách tiếp tục di chuyển và đi vòng quanh".
Trump đứng sau lưng Clinton ở khoảng cách gần
Ông Trump còn nhiều lần chỉ tay vào bà Clinton khi ông đưa ra các lời cáo buộc - cử chỉ Givens gọi là "gay gắt trong tất cả các nền văn hóa". Chuyên gia này cũng so sánh việc khịt mũi của ông Trump với "một con bò chuẩn bị tấn công".
Đối với ông Trump, sự giận dữ giúp thiết lập sự thống trị và có sức hấp dẫn mạnh mẽ, đặc biệt là đối với những cử tri bất mãn. Givens nói thêm rằng người Mỹ thường bị cuốn hút bởi các ứng viên có hình ảnh mạnh mẽ hơn.
Trong khi đó, bà Clinton thường ngồi xuống ghế khi đến lượt ông Trump nói. Các chuyên gia cho rằng việc bà ngồi khiến hình ảnh của bà thiếu mạnh mẽ hơn. Bà Clinton nhiều lần cười trong cuộc tranh luận, thường khi ông Trump công kích hoặc đưa ra lời cáo buộc mà bà cho là vô lý. Thái độ trên khuôn mặt của ông Trump gần như hoàn toàn đối lập với bà Clinton. Ông gần như không nở bất kỳ nụ cười nào - chỉ thỉnh thoảng cười mỉm kiểu tự mãn khi ông nghĩ rằng ông đã ghi được một điểm có lợi cho mình.
Theo ông Collett, cười về cơ bản là một tín hiệu xoa dịu, và đó là điều cuối cùng ông Trump muốn làm, ít nhất là bà Clinton.
"Bà Clinton cười khi bắt đầu đối phó với lời công kích của ông Trump về bê bối tình dục của ông Bill. Đó dấu hiệu thể hiện bà sẵn sàng và tự tin", Wood nhận xét.
Tuy nhiên, Wood cho rằng bà Clinton lẽ ra không nên cười quá nhiều. "Tôi nghĩ việc bà ấy cười trong cuộc tranh luận đầu tiên là ổn vì hôm đó ông Trump thường nói lan man, dài dòng và không đúng chủ đề. Vì vậy, việc bà ấy cười là thích hợp, để thể hiện rằng bà cảm thấy lập luận của ông Trump nực cười", bà Wood nói.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận thứ hai thì khác vì ông Trump nói nhiều câu hoàn chỉnh hơn và đưa ra những cáo buộc nghiêm trọng hơn. Điều này khiến cho việc bà Clinton tươi cười là không phù hợp, chuyên gia nhận xét.
Biểu cảm của hai ứng viên khi nghe đối phương nói
Các biểu cảm khác trên khuôn mặt ông Trump như nheo mắt, bặm môi đều là dấu hiệu thể hiện sự nam tính, nhằm truyền đi ấn tượng là một người có khả năng chi phối người khác và thoải mái trong việc thể hiện quyền lực. Cũng có những lúc ông Trump bị chỉ trích và ông phản ứng bằng cách liếm hoặc bĩu môi. Đây là bằng chứng cho thấy rằng ông cảm thấy khó chịu và tạm thời không muốn đáp trả.
Bà Wood cho rằng nhìn chung bà Clinton đã giữ bình tĩnh trong suốt cuộc tranh luận. "Việc ông Trump đi qua đi lại và đứng gần không ảnh hưởng đến bà, dù đối với chúng ta, trông việc đó khá đáng sợ".
Xem thêm: Những dè bỉu Trump - Clinton chĩa vào nhau trong tranh luận
Những điểm chính trong cuộc tranh luận Trump - Clinton lần hai
Phương Vũ