Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Cục NTBD), cho biết đã gửi công văn về các Sở Văn hóa Thể thao Du lịch (Sở VHTTDL) trên cả nước đề nghị phối hợp sưu tầm các nhạc phẩm được sáng tác trước 1975 ở miền Nam, cũng như nhạc phẩm do nhạc sĩ hải ngoại sáng tác.
"Đây là một việc cần làm kiên trì, lâu dài chứ không phải một sớm một chiều. Cục đã có hội đồng duyệt ca khúc và chúng tôi sẽ thường xuyên tiếp nhận nguồn tư liệu từ các Sở, các cá nhân, các đơn vị để tiến hành thẩm định hàng tuần. Sau đó, ca khúc nào được cấp phép biểu diễn sẽ được cập nhật trên website của Cục. Các cá nhân, đơn vị có thể tra cứu ngay khi có nhu cầu sử dụng tác phẩm", ông Chương nói. Theo ông Nguyễn Đăng Chương, việc làm này phù hợp với chủ trương hòa hợp dân tộc của Nhà nước, đồng thời góp phần làm phong phú những giá trị âm nhạc của nước nhà.
Cũng theo Cục trưởng, khi triển khai điều này, các cá nhân, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật sẽ không phải làm đơn xin phép nhiều lần, dần xóa đi cơ chế "xin - cho" trong việc cấp phép ca khúc.
Ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc Sở VHTTDL TP HCM, cho biết Sở vừa nhận được công văn từ Cục NTBD.
Ông Nam chia sẻ, yêu cầu và mong muốn của Cục là một động thái tốt, nhằm hướng đến mục đích quản lý tốt chất lượng nội dung các ca khúc, quản lý tốt hoạt động sản xuất băng đĩa, biểu diễn, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này hoạt động thuận lợi hơn.
"Trước đây Sở cũng đã nhiều lần tổ chức thẩm định ca khúc trước 1975. Lần này, để làm như mong muốn của Cục thì đòi hỏi phải có sự chuẩn bị cẩn thận. Hiện tại, Sở đang liên lạc với Thư viện Tổng hợp TP HCM, các hội âm nhạc hoặc các đơn vị nào có sưu tầm nguồn nhạc này. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất băng đĩa cũng là một nguồn tốt để cung cấp danh sách các nhạc phẩm", ông Nam nói về hướng triển khai công văn của Cục.
Tuy vậy, ông Võ Trọng Nam nhận định công việc này không đơn giản mà cần có một kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ, thậm chí cần cả sự tham gia của lực lượng an ninh để sưu tra nhân thân của các nhạc sĩ. Ngoài ra, khi làm công việc tìm kiếm, photo, tổng hợp đánh giá các nhạc phẩm để gửi về Cục thì cũng cần có nguồn tài chính để làm. "Cục nên có một kế hoạch chi tiết, chặt chẽ để trình Bộ VHTTDL sau đó phối hợp với các Sở ban ngành ở TP HCM và các tỉnh thành để thông báo chi tiết về thời gian và tiến độ, cả dự trù kinh phí cho các nơi triển khai chứ không thể chỉ đơn giản ra một văn bản thông báo như thế này", ông Nam nhận định.
Hiện tại, hầu hết đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ở TP HCM chưa được thông báo, chưa nhận được văn bản yêu cầu hợp tác nào từ cơ quan nhà nước trong vấn đề thu thập nhạc phẩm trước 1975, nhạc phẩm do nhạc sĩ hải ngoại sáng tác.
Tuy vậy, khi nắm được thông tin về điều này qua báo chí, các đơn vị sản xuất đều phấn khởi đón nhận động thái mới của Cục. Họ cho rằng cách làm mới sẽ giúp các đơn vị tiết kiệm được thời gian, công sức.
Bà Trương Thị Thu Dung - giám đốc Trung tâm băng đĩa nhạc Rạng Đông - chia sẻ các nhà sản xuất đã nhiều lần góp ý với Cục về việc giảm sự phức tạp trong quy trình xin cấp phép nhạc phẩm trước 1975 và mong chờ sự thay đổi từ rất lâu.
Trước đây, mỗi khi ca sĩ, doanh nghiệp muốn thực hiện sản phẩm âm nhạc nào hoặc biểu diễn ca khúc trước 1975, họ đều phải gửi đơn xin phép ra Cục. Sau đó, Cục mới thành lập hội đồng chuyên môn để duyệt, thẩm định. Hội đồng này có nhiều thành viên không thuộc biên chế của Cục mà gồm nhiều nhạc sĩ hoạt động ở bên ngoài. Vì thế, không phải lúc nào cũng có ngay một hội đồng để duyệt chỉ chừng một, hai bài theo yêu cầu mà cần chờ tập trung đủ số bài hát tương đối thì Cục mới tiến hành xét. Không chỉ vậy, do mạnh đơn vị nào nấy xin nên nhiều khi đơn xin chồng chéo nhau, Cục cũng phải duyệt đi duyệt lại. Làm như vậy vừa rất mất thời gian vừa thể hiện rõ cơ chế ‘xin - cho’. Còn nếu các đơn vị tập hợp lại tất cả danh sách đề nghị của mình và gửi lên Cục duyệt một lần thì sẽ thuận lợi hơn cho chúng tôi rất nhiều", bà Dung nói.
Ông Huỳnh Tiết, giám đốc Bến Thành Audio, nhận định cách làm mới của Cục cho thấy nhiều ưu điểm hơn cách làm cũ nhiều. Vì như vậy, các cơ sở, nhà sản xuất chủ động hơn trong việc chọn nhạc phẩm nào mà họ thích và muốn sử dụng để đề xuất trước cho Cục. "Dù cho các đơn vị chưa có nhu cầu sản xuất lúc này, nếu họ tập hợp được các nhạc phẩm giá trị và Cục xét duyệt trước thì sau đó khi cần có thể sử dụng ngay, tiết kiệm được nhiều thứ", ông Tiết nói.
Bà Lương Minh Hồng - giám đốc Công ty Tiếng Hát Việt - cũng cho rằng việc xét duyệt các nhạc phẩm trước 1975 trên diện rộng và đồng bộ sau đó phổ biến công khai danh mục có thể giúp các doanh nghiệp tránh được tình trạng xin phép chồng chéo và Cục không phải mất công thông báo cho đơn vị khi có trùng lặp.
Tuy vậy, một vấn đề được nhiều đơn vị doanh nghiệp quan tâm là Cục NTBD sẽ phổ biến danh mục bài hát được cấp phép theo hình thức nào. Từ năm 2008 Cục đã đề cập về việc sẽ có trang web phổ biến danh mục các bài hát được cấp phép nhưng đến nay điều đó vẫn chưa được thực hiện. Việc nên ban hành danh mục ca khúc được cấp phép hay danh mục ca khúc bị cấm vẫn là vấn đề tranh cãi.
Theo ông Huỳnh Tiết, khi Cục đã thẩm định và xét duyệt các nhạc phẩm mà các doanh nghiệp chủ động gửi đến thì cần đưa lên website để công bố rộng rãi. Ai có nhu cầu sẽ vào mạng chọn tác phẩm và trả tiền tác quyền để sử dụng. Còn bà Thu Dung cho rằng, nếu chưa đưa lên website được thì Cục cũng cần gửi danh sách thông báo bằng văn bản về các Sở địa phương để Sở thông báo cho các đơn vị sản xuất trực thuộc.
Các doanh nghiệp và nhà sản xuất âm nhạc đánh giá, nhạc xưa, nhất là nhạc trước 1975 chưa được cấp phép là một khối lượng nhạc phẩm khổng lồ, rất đa dạng về đề tài, thể loại sáng tác. Ngoài ra, nhu cầu biểu diễn cũng như thưởng thức nhạc phẩm trước 1975 hiện nay khá lớn.
"Nếu cơ quan quản lý nhà nước cởi mở trong việc xét duyệt, thẩm định những tác phẩm có giá trị nội dung cao thì nhiều nơi sẽ cùng sưu tập để khai phá lại một dòng nhạc, góp phần làm phong phú cho kho tàng âm nhạc nước nhà với những bài nhạc xưa đã đi vào lòng người", ông Huỳnh Tiết nói.
Ca sĩ Ánh Tuyết cũng đồng tình với quan điểm này. Vào khoảng cuối năm 2012, chị đã tự bỏ tiền túi đi gom góp khoảng 2.000 nhạc phẩm trước 1975, photo và tổng hợp tài liệu, gửi ra cho Cục thẩm định, xét duyệt để bổ sung nguồn nhạc phẩm cho nghệ sĩ trong nước biểu diễn. Chị cũng là một trong những người đầu tiên khởi xướng việc khai phá trở lại dòng nhạc này trong nước.
Ánh Tuyết cho biết khi đón nhận thông tin về động thái mới của Cục NTBD trong việc cấp phép ca khúc trước 1975, chị vừa mừng vừa lo. Mừng vì điều này cho thấy chính sách hòa hợp dân tộc của nhà nước đã đi vào đời sống sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật. Nhưng bên cạnh đó, cơ quan nhà nước cũng cần gạt bỏ các định kiến để thẩm định và trả lại cho các ca khúc đúng giá trị thật sự của nó chứ không phải là thẩm định kiểu suy diễn từ con chữ. "Không nên dùng kính hiển vi để soi những điều không cần thiết với những nhạc phẩm đã có sức sống vượt thời gian trong lòng của khán giả Việt. Nếu vẫn giữ quan niệm cũ thì người thiệt thòi trước hết chính là nghệ sĩ trong nước và khán giả vì không được biểu diễn, được thưởng thức các nhạc phẩm giá trị", Ánh Tuyết bộc bạch.
Thoại Hà