Đại diện của Công ty Văn hóa Phương Nam - đơn vị đã xây dựng tủ sách "Các tác giả miền Nam trước 1975" cho rằng, nếu nhà nước có thể hệ thống và công bố những đầu sách thuộc diện cần tái bản, các đơn vị làm sách sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc lựa chọn tác phẩm để in.
Thực tế xuất bản cho thấy, thời gian gần đây, nhiều sáng tác của các tác giả từng bị liệt vào danh sách "cấm lưu hành" đã lần lượt được giới thiệu trở lại. Nhưng một vài trong số đó, như sách của Dương Nghiễm Mậu, được "phóng sinh" cùng với ồ ạt những lời phê bình, chỉ trích. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cho rằng, nhiều lời khen, tiếng chê chủ yếu chỉ dựa vào những vấn đề ngoài văn chương, gây ảnh hưởng đến sự tiếp nhận của công chúng đối với giá trị thực của tác phẩm.
Cuốn "Tiểu luận Phạm Quỳnh" do Nhà xuất bản Tri Thức và Trung tâm Văn hóa Đông Tây phát hành cuối năm 2007. |
Tuy nhiên, theo một số học giả uy tín, việc áp dụng cho văn học một Danh mục tác phẩm được cấp phép phổ biến như với ca khúc âm nhạc là điều không cần thiết. Dịch giả Đoàn Tử Huyến cho rằng: "Tôi nghĩ, không cần bất kỳ danh sách nào hết, không cần phải bỏ ra một bộ phận, một con người hay công trình nào, để vừa tốn tiền nhà nước lại vừa gây ra những tranh cãi, những luồng dư luận không đáng có. Chúng ta đã có Hiến pháp và Luật xuất bản. Tác phẩm nào không vi phạm Luật đều có thể phổ biến. Ai là người dám bảo đảm mình biết đúng tác phẩm nào cần cấm, tác phẩm nào cần phổ biến? Trong xã hội văn minh, chỉ có pháp luật là thước đo duy nhất cho các hành động công dân".
Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, nơi ông Đoàn Tử Huyến làm chủ tịch, kết hợp với NXB Tri Thức vừa ra mắt tập Tiểu luận Phạm Quỳnh - một tác giả thuộc diện nhạy cảm. Ông Huyến cho biết: "Khi xuất bản một tác phẩm nào đó, chúng tôi căn cứ vào việc, sách có vi phạm pháp luật không và có đem lại lợi ích gì cho độc giả không".
Chia sẻ quan điểm trên, nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc còn nhấn mạnh, nếu không được triển khai một cách đúng đắn, những danh sách hạn chế kiểu "tiền kiểm" sẽ có thể gây ra sự chồng chéo với Luật xuất bản. Luật xuất bản khẳng định: "Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản". "Không ai có quyền ra danh sách những tác phẩm được hay không được xuất bản. Sách sau khi ra đời, nếu có dấu hiệu phạm luật sẽ bị đưa ra tòa xử", ông Ngọc nói.
Nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc ủng hộ việc in lại sách có giá trị trước 1975. Ảnh: vanconghung.vnweblog. |
Việc phát hành danh sách các tác phẩm được phổ biến có thể là chuyện khó khả thi với văn học, nhưng hiện tại cũng không tồn tại quy định mới nào về danh mục cấm xuất bản. Tuy vậy, quá trình giới thiệu kho văn học miền Nam trước 1975 vẫn diễn ra tí tách, nhỏ giọt. Dù có chủ trương xây dựng tủ sách "Các tác giả miền Nam trước 1975" nhưng đây không phải là mục tiêu đầu tư của Phương Nam. Ngoài nguyên nhân nhãn tiền là loại sách này vừa khó khai thác tác quyền vừa ít có giá trị về mặt thương mại, quá trình xuất bản sách trước 1975 còn vướng nhiều khó khăn khách quan khác.
Tuy giá trị của dòng văn học miền Nam trước 1975 là vấn đề còn nhiều tranh cãi nhưng nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn khẳng định, không thể cắt rời hoàn toàn bộ phần này khỏi văn học sử của dân tộc. "Giai đoạn văn học miền Nam trước 1975 có rất nhiều đóng góp về ngôn ngữ, về việc tiếp nhận văn hóa nước ngoài... Tôi lấy làm buồn là đến nay, vẫn chưa ai có ý định sắp xếp, nghiên cứu lại mấy thập kỷ văn học này một cách hệ thống và nghiêm túc. Làm như thế, chúng ta mới đãi cát tìm được vàng, tránh đồng thau lẫn lộn, gây ra những phản hồi mang tính quy chụp, ảnh hưởng đến giá trị văn học đích thực".
Còn nhà văn Nguyên Ngọc tái khẳng định điều ông đã phát biểu cách đây 10 năm: "Tác phẩm của bất cứ ai, xuất bản bất cứ ở đâu, trong bất cứ thời kỳ nào thì đó là tài sản của nhân dân, không ai được cướp đi quyền hưởng thụ những tác phẩm đó của họ".
Câu hỏi về cách ứng xử với các ấn bản phẩm xuất bản trước 1975 từ lâu đã là vấn đề khó được trả lời rõ ràng. Đến nay, sau hơn 30 năm, câu chuyện này vẫn chỉ dừng lại ở mặt định hướng chung. Như lời bà Nguyễn Thế Thanh - Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TP HCM nói: "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc in lại sách trước năm 1975 có giá trị. Sách nói chung và sách văn học nói riêng của giai đoạn này là một bộ phận không thể tách rời trong nền văn học Việt Nam. Nhà nước cần chủ động khai thác các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị. Nhưng sách thuộc loại hình nghệ thuật tư tưởng, ảnh hưởng đến văn hóa, chính trị. Vì vậy khi in lại, chúng ta cần có công tác nghiên cứu nghiêm túc, khoa học".
Lưu Hà - Anh Vân