Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 1/5 tuyên bố Mỹ vẫn để ngỏ khả năng can thiệp quân sự nhằm giải quyết khủng hoảng Venezuela, sau khi thủ lĩnh đối lập Juan Guaido phát động cuộc đảo chính bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro. Tuyên bố của Pompeo làm dấy lên lo ngại về một cuộc phiêu lưu quân sự của Washington ở quốc gia Nam Mỹ này nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tại đây.
Nếu quyết định can dự trực tiếp vào Venezuela, Mỹ nhiều khả năng sẽ triển khai oanh tạc cơ chiến lược B-1B và B-52H, cùng tàu khu trục lớp Arleigh Burke để tung đòn phủ đầu bằng tên lửa tầm xa nhằm vào các căn cứ của quân đội Venezuela. Lực lượng phi cơ tàng hình và tác chiến điện tử cũng có thể tham gia chế áp lưới phòng không và ngăn khả năng đánh chặn hiệu quả của nước này.
Tuy nhiên, Caracas trong nhiều năm qua đã mạnh tay mua sắm nhiều vũ khí phòng không hiện đại để xây dựng mạng lưới phòng thủ đa tầng với những tổ hợp tên lửa tầm xa, tầm trung và tầm ngắn.
Hệ thống phòng không tầm xa S-300VM là quân bài chủ lực để quân đội Venezuela bảo vệ không phận. Nước này đang biên chế hai tổ hợp S-300VM, trở thành một trong ba quốc gia sở hữu hệ thống S-300VM hiện đại bên cạnh Nga và Ai Cập. Đây là một trong những khí tài uy lực nhất của Venezuela, có nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, cũng như đối phó với tên lửa hành trình, chiến đấu cơ và máy bay tác chiến điện tử đối phương.
Mỗi tổ hợp S-300VM gồm 8-12 xe bệ phóng được trang bị radar dẫn bắn riêng, cùng radar điều khiển hỏa lực trung tâm 9S32ME với khả năng bám bắt 24 mục tiêu cùng lúc. Tên lửa của hệ thống này có thể đánh chặn mục tiêu từ khoảng cách 200 km và độ cao tối đa 30 km.
Một trận địa S-300VM đang được Venezuela triển khai tại căn cứ không quân mang tên "Đại úy Manuel Rios", cách thủ đô Caracas khoảng hơn 100 km về phía nam. Trong ảnh vệ tinh, 5 xe chở đạn kiêm bệ phóng được đặt phân tán quanh radar điều khiển hỏa lực 9S32ME.
Nhờ đặt trên khung gầm bánh xích, S-300VM là một trong số các hệ thống phòng không tầm xa có khả năng cơ động cao nhất trên thế giới, đảm bảo khả năng khai hỏa và rời khỏi trận địa trong vài phút. Khung gầm bánh xích cho phép S-300VM di chuyển được trên nhiều dạng địa hình phức tạp, điều mà các xe bánh hơi của tổ hợp S-300PMU-2 và S-400 không làm được.
Quân đội Venezuela đã đặt mua ít nhất ba tổ hợp phòng không tầm trung Buk-M2E với 20 xe phóng đạn từ Nga vào năm 2009. Đây là phiên bản xuất khẩu của tổ hợp Buk-M2 hiện đại hóa cho quân đội Nga, được Moskva sản xuất hàng loạt từ năm 2007.
Một hệ thống Buk-M2E tiêu chuẩn gồm 6 xe chở, phóng đạn và radar (TELAR) 9A317E. Xe TELAR được trang bị radar chiếu xạ và dẫn bắn để tăng tính độc lập, cho phép tổ lái tự bám bắt và tấn công mục tiêu mà không cần dữ liệu từ đài chỉ huy trung tâm.
Mỗi xe 9A317E mang được 4 tên lửa có tầm bắn 45 km và tốc độ tối đa 4.940 km/h. Mỗi quả đạn trang bị đầu nổ mảnh nặng 70 kg, kích hoạt bằng ngòi nổ chạm hoặc cận đích. Ngoài máy bay và tên lửa hành trình bay thấp, Buk-M2E cũng có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật từ khoảng cách 20 km.
Đây được coi là giải pháp phòng thủ tầm trung linh hoạt và hiệu quả nhằm đối phó các đợt tập kích của chiến đấu cơ, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Phòng không Syria từng sử dụng các hệ thống Buk-M2E để đối phó đòn tấn công của liên quân Mỹ, Anh và Pháp hồi năm 2018.
Ngoài S-300VM và Buk-M2E, Caracas cũng đang sở hữu hàng loạt tổ hợp phòng không tầm ngắn S-125-2M, được phát triển đầu thập niên 2000 để tăng cường uy lực cho hệ thống S-125 ra đời từ thời Liên Xô. S-125-2M có khả năng kết nối với các tổ hợp phòng không tầm xa như S-300, được trang bị nhiều cảm biến mới để phát hiện mục tiêu cả ngày lẫn đêm và trong điều kiện đối phương gây nhiễu mạnh.
Pháo phòng không và tên lửa vác vai cũng là mối đe dọa với tên lửa hành trình Mỹ, trong trường hợp chúng vượt qua được những lá chắn phòng không tầm xa và tầm trung.
Nếu không vô hiệu hóa được các căn cứ không quân Venezuela trong giai đoạn đầu xung đột, lực lượng không quân can thiệp của Mỹ sẽ phải đối mặt với mối đe dọa từ 23 tiêm kích đa năng Su-30MKV do Nga chế tạo.
Trong nhiệm vụ tuần tra không phận và đánh chặn, những chiếc Su-30MKV của không quân Venezuela có thể mang tên lửa đối không tầm trung R-27ER với tầm bắn tối đa 130 km và R-77 mang đầu dò chủ động có tầm bắn 110 km.
Nếu triển khai cho nhiệm vụ tiến công tầm xa, Su-30MKV sẽ được trang bị tên lửa dẫn đường Kh-29, chống hạm Kh-31A và Kh-59M, cũng như đạn diệt radar Kh-31P. Dòng Kh-31 và Kh-59 có tầm bắn tới 115 km, đủ sức đe dọa tàu chiến Mỹ hoạt động gần Nam Mỹ, trong khi tên lửa Kh-29 mang đầu đạn nặng tới 320 kg có thể tiêu diệt nhiều loại mục tiêu mặt đất kiên cố.
Bán kính tác chiến rộng và tải trọng vũ khí 8 tấn cho phép Su-30MKV xuất kích đánh chặn lực lượng Mỹ từ xa, cũng như tung đòn trả đũa nhằm vào các căn cứ quân sự của Washington trong khu vực. Dù không có máy bay cảnh báo sớm (AWACS) hỗ trợ, đòn phối hợp từ các phi đội Su-30MKV Venezuela vẫn đặt ra thách thức nghiêm trọng với lực lượng Mỹ khi xung đột nổ ra.
Các chuyên gia quân sự quốc tế nhận định khi xung đột nổ ra, Venezuela khó lòng đánh chặn toàn bộ đòn phủ đầu bằng tên lửa hành trình tầm xa của Mỹ, nhất là khi số lượng tên lửa S-300VM và Buk-M2E của nước này rất giới hạn. Tuy nhiên, việc để đối phương chặn đứng nhiều đợt tập kích bằng tên lửa sẽ là thảm họa về mặt truyền thông và chiến thuật với Washington.
"Mỹ có thể giành chiến thắng trong chiến dịch can thiệp vào Venezuela, nhưng sẽ phải trả giá khá đắt. Điều này có thể khiến Washington ưu tiên giải pháp ngoại giao và kinh tế thay vì theo đuổi biện pháp quân sự", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét.
Duy Sơn (Theo Military Watch)